Không thể thiếu đồng lòng

ANTĐ - Báo cáo “Môi trường kinh doanh 2013: Các quy định thuận lợi hơn cho doanh nghiệp” do một thành viên của Ngân hàng Thế giới vừa công bố cho thấy, với tổng cộng 18 cải cách về thể chế và pháp lý trong 8/10 lĩnh vực, mức độ thuận lợi kinh doanh của Việt Nam được xếp hạng 99/185 nền kinh tế được khảo sát. Một trong những “điểm sáng” trong môi trường kinh doanh là sự cải thiện tiêu chí về thương mại quốc tế với thứ hạng 74/185. Điều này được chứng minh rõ nét khi kinh tế toàn cầu suy thoái, xuất khẩu của nhiều nước giảm sút, riêng Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng xuất khẩu.

Tuy vậy, bản Báo cáo cũng đánh giá mức độ thuận lợi trong kinh doanh của Việt Nam năm 2012 thấp hơn nhiều so với Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc cho dù cao hơn Campuchia, Indonesia. Trong số 10 nhóm tiêu chí được công bố, có 5 nhóm tiêu chí được xếp hạng trên trung bình là: cấp phép xây dựng, đăng ký tài sản, thực thi hợp đồng, thương mại quốc tế. Nguyên nhân của sự suy giảm thuận lợi trong kinh doanh cho thấy những khó khăn, yếu kém của nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng đã tích tụ kéo dài trong suốt 5 năm qua. Khó khăn hiện nay giống như giọt nước tràn ly.

Trong phiên họp tổ của các đoàn đại biểu Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội năm 2012, nhiều ý kiến đều xoay quanh câu hỏi: Liệu có những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt gì để đột phá “giải cứu” nền kinh tế và doanh nghiệp? Bí thư Thành ủy Hà Nội, đại biểu Quốc hội bày tỏ: “Tình hình chúng ta vừa trải qua và sắp trải qua có những khó khăn lớn. Nhưng những giải pháp mà báo cáo Chính phủ đưa ra vẫn theo nếp cũ, cách đặt vấn đề dàn trải, chưa có đột phá”. Một đại biểu là tổng giám đốc một công ty lớn cho rằng, hiện nay cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân đều gặp khó khăn về nợ xấu, thị trường trầm lắng, sức mua giảm, sản phẩm làm ra không biết bán cho ai. Nếu khó khăn không được sớm giải quyết thì nền kinh tế sẽ tiếp tục trì trệ, khó mà vực lên được. Muốn cứu nền kinh tế thì phải cứu được doanh nghiệp. Không chỉ phân tích, góp ý, một số đại biểu còn đề xuất một số biện pháp cụ thể, bởi phải có giải pháp cụ thể để Quốc hội, nhân dân có niềm tin hơn, yên tâm hơn.

Một đại biểu TP.HCM cho rằng, tuy không thể kích cầu như năm 2009 nhưng đừng quá sợ lạm phát quay trở lại mà siết cầu. Đừng để doanh nghiệp vì thiếu vốn lưu thông mà phá sản. Hiện đang tồn kho lớn sắt thép, xi măng, nên địa phương nào có nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng thì Nhà nước nên cấp xi măng, sắt thép. Giải quyết nợ xấu, các ngân hàng phải có trách nhiệm công khai số nợ xấu thực chất là nợ gì, nợ bao nhiêu. Một đại biểu Quốc hội cũng là chủ tịch một tập đoàn kinh tế lớn hiến kế: để giải phóng hàng tồn kho, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần sử dụng sản phẩm của nhau. Hồi tháng 9 vừa qua, đã có 11/16 tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Công Thương đã ký thỏa song phương về việc ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh, tồn kho càng lớn thì nợ xấu càng tăng. Do vậy, giảm hàng tồn kho vừa là giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ sản xuất, vừa là giải pháp giảm nợ xấu một cách hữu hiệu.

Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, kinh tế đang rơi vào tình trạng tổng cung và tổng cầu đều thấp. Nó có thể kéo dài trong năm 2013, thậm chí cả năm 2014. Mục tiêu tổng quát là phải lấy sự ổn định kinh tế vĩ mô làm nền tảng. Ngoài 9 giải pháp của Chính phủ đã nêu ra, rõ ràng không thể thiếu sự đồng lòng, chung tay, góp sức của các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty và giới doanh nghiệp.