Không thể "thả rông" trẻ

ANTĐ - Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các trường xử phạt học sinh vi phạm Luật Giao thông, đồng thời tổ chức cho các bậc phụ huynh ký cam kết với nhà trường đội mũ bảo hiểm cho con khi tham gia giao thông bằng xe máy, xe đạp điện, đặc biệt không giao xe máy cho học sinh.

Lãnh đạo Sở này cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, đây là việc làm cần thiết giúp các em trở thành những công dân tốt.

Dư luận hoan nghênh và ủng hộ chủ trương hợp lý, cần thiết này, song cũng băn khoăn về những khoảng trống trong việc phối hợp giữa nhà trường và gia đình để quản lý học sinh, không để xảy ra những trường hợp đáng tiếc như học sinh bỏ học, “mất tích”, tham gia những trò vui chơi, giải trí không lành mạnh.

Với 3 mức xử phạt học sinh vi phạm, trong đó có hình thức cảnh cáo toàn trường, buộc thôi học 1 tuần, quy định này đã tỏ ra khá hiệu quả. Ngay trong ngày đầu áp dụng, hầu hết các học sinh được cha mẹ chở bằng xe máy hoặc đi xe đạp điện đều đã đội mũ bảo hiểm trong khi chỉ ít ngày trước đó, khi chưa có chế tài xử phạt, tại các cổng trường ở Hà Nội, học sinh vẫn hồn nhiên đầu trần.

Hầu hết lãnh đạo các trường THPT, THCS đều đồng tình với quy định nghiêm khắc của Sở GD-ĐT. Một số trường còn có những giải pháp cụ thể như lập Ban ATGT có sự tham gia của giáo viên, bảo vệ và học sinh “chốt” trước cổng trường để phát hiện những trường hợp vi phạm.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định, hình thức xử phạt nghiêm, buộc học sinh thôi học từ 3 ngày đến 1 tuần nếu vi phạm nhiều lần là điều cần thiết để các em có ý thức về hành vi của mình.

Tuy nhiên, theo ý kiến của các nhà quản lý giáo dục cũng như phụ huynh, nếu những biện pháp xử lý mạnh mẽ như thế này cũng được áp dụng trong việc quản lý học sinh ngoài xã hội thì có thể hạn chế, ngăn chặn những hậu quả như bạo lực, “đi bụi” hoặc sa chân vào nhà nghỉ, quán games cùng những tệ nạn xã hội luôn rình rập lứa tuổi “có lớn nhưng chưa có khôn”.

Ở đây đòi hỏi nhà trường và gia đình phải “bắt tay nhau thật chặt” với cam kết cụ thể. Gia đình không thể khoán trắng con em mình cho nhà trường và ngược lại, nhà trường không thể quan niệm rằng, học sinh ra khỏi trường là hết trách nhiệm. “Dạy con từ thuở còn thơ”, nuôi dạy học sinh trở thành những công dân tốt trong “sự nghiệp trồng người” thực sự là một công việc hết sức nặng nề, phức tạp, nhất là bối cảnh hiện nay.

Bởi thế, “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo càng không thể “thả rông” trẻ. Điều này tưởng chừng khó làm trong việc quản thời gian của học sinh, chưa kể nhiều em có những chiêu trò “qua mặt” phụ huynh và giáo viên. Dẫu vậy, khó mấy thì gia đình, nhà trường cũng không thể... bó tay.