Không thể phụ thuộc vào quỹ bình ổn xăng dầu

ANTĐ - Ngày 13-4, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã công bố phương án điều hành mặt hàng xăng dầu áp dụng từ 15h cùng ngày với quyết định giữ nguyên giá bán lẻ hiện hành. Đây là lần thứ hai liên tiếp, giá xăng dầu trong nước được kìm giữ.

Liên tiếp xả quỹ bình ổn

Sau thời gian giảm giá mạnh từ tháng 7-2014, giá bán lẻ xăng dầu trong nước có xu hướng tăng từ giáp Tết Nguyên đán 2015 đến nay. Tuy nhiên, nhờ có quỹ bình ổn giá, giá xăng dầu trong nước tăng ít hơn so với mức tăng trên thế giới.

Cụ thể, tại kỳ điều hành ngày 24-2-2015, mức chi xả quỹ bình ổn lên đến 2.448 đồng/lít xăng, 1.350 đồng- 2.015 đồng/lít (kg) dầu, tùy từng loại. Tiếp đó, đến ngày 11-3, mặc dù mức chi xả quỹ bình ổn giá giảm xuống nhưng liên Bộ Công Thương - Tài chính vẫn tiếp tục xả quỹ đến 1.852 đồng/lít xăng. Kỳ điều hành ngày 26-3 và 13-4, giá xăng dầu được giữ ổn định nhờ việc trích xả quỹ bình ổn với mức giảm dần, hiện ở mức 991 đồng/lít xăng. 

Không thể phụ thuộc vào quỹ bình ổn xăng dầu ảnh 1

Giá xăng dầu vẫn diễn biến phức tạp

Từ 15h ngày 13-4, xăng RON 92 là 17.286 đồng/lít, xăng E5 có giá 16.956 đồng/lít, dầu diezel 0,05S có giá 15.883 đồng/lít, dầu hỏa 16.073 đồng/lít, dầu mazut 12.653 đồng/lít. Trong 2 lần điều hành giá xăng gần nhất (26-3 và 13-4), giá bán lẻ không hề thay đổi, bất chấp giá xăng dầu trên thế giới diễn biến phức tạp và có xu hướng tăng. 

Theo ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), quỹ bình ổn xăng dầu được sử dụng như “van giảm sốc": Giảm thì giảm tối đa, tăng thì cố gắng giảm sốc. Ví dụ, kỳ điều hành ngày 11-3, nhờ có quỹ bình ổn giá mà giá bán lẻ xăng dầu chỉ tăng hơn 1.600 đồng/lít, thay vì phải tăng 2.400 đồng/lít. 

Nói cách khác, quỹ bình ổn giá đang được coi như công cụ tối ưu để điều hành giá xăng dầu trong nước, đặc biệt là “trấn an” tâm lý người tiêu dùng. 

Nếu quỹ bình ổn “âm”

Đại diện một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cho biết, do mức trích xả quỹ bình ổn luôn lớn hơn nhiều lần so với mức trích lập (duy trì ở mức 300 đồng/lít xăng dầu từ ngày 24-2 tới nay) nên quỹ này đã “âm”.

Giả sử thông tin này là chính xác thì giá xăng dầu trong nước khó tránh khỏi tăng, thậm chí tăng mạnh khi mức “âm” quỹ vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp và giá bán bị kìm hãm khá lâu. Khi đó, biên độ điều chỉnh giá xăng dầu mới thực sự gây “sốc” cho người tiêu dùng. Đáng chú ý, thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu sẽ tăng từ ngày 1-5 tới đây nên cơ hội giảm giá bán lẻ cho người tiêu dùng càng ít.

Tuy nhiên, một chuyên gia kinh tế cho rằng, trong 2 lần điều hành gần đây nhất, mức chi quỹ đã giảm dần, chứng tỏ quỹ bình ổn giá đã “an toàn” hơn. “15 ngày qua, giá xăng dầu thế giới lên xuống thất thường nhưng vẫn duy trì ở mức thấp, giá cao nhất cũng chưa chạm ngưỡng 58 USD/thùng. Giá xăng dầu trong nước có thể giảm nhẹ nhưng cơ quan quản lý lại bảo vệ cho quỹ. Theo tôi, nên điều chỉnh giảm chi phí định mức của doanh nghiệp xăng dầu, yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này phải tiết giảm chi phí kinh doanh, hoa hồng để chia sẻ với người tiêu dùng”- vị chuyên gia này nói. 

Theo các chuyên gia, việc điều hành giá xăng dầu trong nước đã linh hoạt, hợp lý hơn. Tuy nhiên, quỹ bình ổn giá xăng dầu chính là điểm… không ổn hiện nay. Phụ thuộc vào quỹ bình ổn, việc điều hành sẽ đi ngược với quan điểm đưa giá xăng dầu theo thị trường. Nên chăng, cơ quan quản lý nên để giá bán lẻ xăng dầu tự điều tiết theo thị trường? 

Giảm thuế nhập khẩu xăng về mức 20%

Theo Nghị quyết số 888a/2015/UBTVQH13 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1269/2011/UBTVQH12 về Biểu thuế bảo vệ môi trường (BVMT) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 10-3-2015, thuế BVMT đối với một số mặt hàng xăng dầu có điều chỉnh kể từ ngày 1-5-2015.

Để việc thực hiện chính sách thuế BVMT từ ngày 1-5-2015 trước mắt không ảnh hưởng đến giá bán của các mặt hàng xăng dầu (đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng) cũng như bảo đảm việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, trên cơ sở nguyên tắc Nhà nước và doanh nghiệp cùng chia sẻ, ngày 13-4, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 48/2015/TT-BTC sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng xăng, dầu. Theo đó, mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng, dầu hoả giảm từ 35% xuống 20%, dầu diezel giảm từ 30% xuống 20%, dầu mazut giảm từ 35% xuống 25% và nhiên liệu bay từ 25% xuống 10%. 

Thông tư số 48/2015/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 14-4-2015 nhằm phù hợp với quy định đảm bảo dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu 30 ngày theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.
Anh Tú