Không thể phủ nhận nỗ lực bảo đảm và thúc đẩy quyền con người của Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Quyền con người luôn là vấn đề mà các thế lực thù địch, thiếu thiện chí thường lợi dụng để can thiệp vào công việc của Việt Nam. Những cáo buộc phi lý, vô căn cứ về tình hình nhân quyền ở Việt Nam mà Tổ chức giám sát nhân quyền (HRW) vừa đưa ra là sự kiện mới nhất trong những âm mưu của chúng.
Hỗ trợ những người thuộc nhóm dễ bị tổn thương bởi đại dịch tại TP.HCM

Hỗ trợ những người thuộc nhóm dễ bị tổn thương bởi đại dịch tại TP.HCM

Mưu đồ lợi dụng nhân quyền để can thiệp

Trong thông cáo báo chí được phát trên Đài châu Á tự do (RFA) nhân Vòng đối thoại nhân quyền thường niên Mỹ-Việt lần thứ 25 vừa diễn ra ở Washington, HRW kêu gọi Mỹ thúc giục Việt Nam thực hiện cái gọi là cải thiện nhân quyền, đồng thời trả tự do cho những đối tượng mà HRW gọi là “tiếng nói bất đồng” đang bị giam giữ. Giám đốc Phân ban châu Á của HRW Phil Robertson thậm chí còn đòi Mỹ không nên coi đối thoại nhân quyền thường niên là “cơ hội duy nhất” có thể buộc Việt Nam thay đổi.

Đây không phải là lần đầu tiên HRW có những chỉ trích nhằm vào Việt Nam. Hầu như năm nào trong báo cáo về tình hình nhân quyền thế giới, HRW cũng đưa ra những lời cáo buộc phi lý, không có cơ sở liên quan đến vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Ngoài bản báo cáo này, HRW cũng thường xuyên lên tiếng đòi trả tự do cho một số đối tượng đang thụ án do vi phạm pháp luật Việt Nam mà họ cố tình bóp méo, xiên xẹo khi mô tả đó là những “nhà dân chủ”; “nhà hoạt động nhân quyền”.

Việt Nam luôn nỗ lực bảo đảm cũng như thúc đẩy quyền con người. Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người, tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Những điều này đều được quy định rõ ràng trong Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và được đảm bảo tôn trọng trên thực tế. Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước tích cực, chủ động tham gia vào hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người do Liên hợp quốc (LHQ) và các tổ chức quốc tế khác ban hành. Tính đến năm 2021, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của LHQ về quyền con người, 25 công ước của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 công ước cơ bản.

Nỗ lực vì quyền con người của Việt Nam còn thể hiện rõ ở việc Việt Nam đặc biệt coi trọng Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng nhân quyền LHQ. Đây là một trong những cơ chế quan trọng nhất của Hội đồng nhân quyền LHQ với nhiệm vụ rà soát tình hình nhân quyền tại tất cả các nước thành viên LHQ, trên nguyên tắc đối thoại, hợp tác, bình đẳng, khách quan, minh bạch, không phân biệt, qua đó thúc đẩy các nước thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, cam kết quốc tế về quyền con người.

Không chỉ đồng hành và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nghĩa vụ và cam kết theo cơ chế UPR, trong đó có việc triển khai các khuyến nghị UPR đã chấp thuận, Việt Nam còn là một trong số ít các quốc gia xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III để gửi lên Hội đồng nhân quyền LHQ. Báo cáo này cung cấp những thông tin chân thực, toàn diện và phản ánh những cam kết, nỗ lực nhất quán của Việt Nam để tiếp tục ổn định kinh tế-xã hội, bảo đảm quyền con người, nhất là những nhóm dễ bị tổn thương trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19. Tất cả những nỗ lực trên cho thấy Việt Nam là thành viên có trách nhiệm, minh bạch và nghiêm túc đối với Cơ chế UPR nói riêng và trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về bảo đảm quyền con người nói chung, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực vận động ứng cử vào Hội đồng nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025.

Những thành tựu về nhân quyền không thể phủ nhận

Chính nhờ những nỗ lực không mệt mỏi, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về nhân quyền trên thực tế, được thế giới thừa nhận. Thành tựu đó thể hiện trên nhiều lĩnh vực, trước hết là những bước tiến vượt bậc về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm cuộc sống của người dân. Sau 35 năm đổi mới, từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, quy mô 14 tỷ USD (năm 1985), đến năm 2020 đã vượt lên 343 tỷ USD (tăng 24,5 lần), GDP bình quân đầu người đạt 3.521 USD. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam năm 2020 do Chương trình phát triển LHQ công bố tăng 7 bậc so với năm 2019, đưa Việt Nam vào nhóm nước có tốc độ tăng chỉ số HDI cao nhất thế giới. Việt Nam còn quan tâm thúc đẩy và thực hiện đồng bộ các chính sách phát triển kinh tế gắn với bảo đảm tiến bộ, công bằng, an toàn, an sinh xã hội. Tỷ lệ người nghèo giảm từ 9,88% (năm 2015) xuống còn 2,75% (năm 2020). Năm 2020, cả nước có gần 3 triệu người nghèo, người yếu thế được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; tuổi thọ trung bình tăng 4,8 năm, số năm đi học tăng 4,3 năm.

Thành tựu đó còn được thể hiện trong việc đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam. Theo con số thống kê, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng và sử dụng Internet cao nhất trên thế giới. Công nghệ thông tin và mạng xã hội đã và đang được sử dụng rộng rãi trong đời sống, sinh hoạt ở Việt Nam. Khoảng 70% dân số Việt Nam sử dụng Internet và điện thoại di động, trong đó 64% các thuê bao đã kết nối 3G và 4G. Năm 2020, số người dùng Facebook ở Việt Nam năm 2020 là gần 70 triệu người, chiếm 70,1% dân số. Trong lĩnh vực báo chí, tính đến hết năm 2020, Việt Nam có 41.000 nhân sự đang tham gia hoạt động, 779 cơ quan báo chí (trong đó có 142 báo, 612 tạp chí, 25 cơ quan báo chí điện tử), 72 cơ quan được cấp phép hoạt động phát thanh truyền hình với tổng số 87 kênh phát thanh và 193 kênh truyền hình.

Đặc biệt là trong cuộc chiến với đại dịch toàn cầu Covid-19, cả hệ thống chính trị Việt Nam đã vào cuộc để đảm bảo quyền cơ bản nhất của người dân là quyền sống. Không phải là nước giàu có, điều kiện y tế còn nhiều thiếu thốn nhưng trong thử thách khắc nghiệt này, Việt Nam lại nổi lên như một hình mẫu được thế giới ghi nhận. Với Việt Nam, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển; mọi chủ trương, đường lối đều lấy người dân làm trung tâm, lấy việc đáp ứng ngày càng tốt hơn những nhu cầu chính đáng của nhân dân là mục tiêu. Dịch bệnh đặt con người trước thử thách sinh tử, thì cách tốt nhất để bảo đảm cho người dân thụ hưởng đầy đủ các quyền con người là phải làm sao giữ cho xã hội an toàn trước dịch bệnh.

Với phương châm “sức khỏe, tính mạng con người là trên hết”, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt việc chống dịch; các lực lượng như y tế, công an, quân đội luôn ở tuyến đầu. Với các nhóm dễ bị tổn thương bởi đại dịch, Việt Nam đã thông qua nhiều biện pháp trợ giúp như các gói an sinh xã hội với tổng kinh phí lên tới hàng chục nghìn 62 nghìn tỷ đồng cho những người thuộc đối tượng nghèo, khuyết tật, người già, người lao động bị mất việc làm, không có thu nhập hoặc bị giảm thu nhập... Nếu coi Covid-19 là phép thử đối với hệ tư tưởng, giá trị và thể chế của một quốc gia, trong đó có việc bảo đảm quyền con người, Việt Nam đã vượt qua một cách thành công.