Không thể nào quên

ANTĐ - Bà tôi năm nay đã gần bảy mươi tuổi, là cô giáo đã về hưu. Bà có nhiều tính tốt. Tôi có nhiều kỷ niệm về bà. Tính bà rất cẩn thận. Hồi tôi mới học cấp hai, còn ít tuổi, nhưng bà rất chú ý đến cách ăn mặc của tôi, dù tôi là con trai.

Mỗi khi là quần áo, bao giờ bà cũng là cho tôi. Mọi người bảo: Cháu còn bé, bà không phải làm thế. Nhưng, bà nói: Không phải là điệu đà, đỏm dáng đâu, mà là lịch sự, tự trọng đấy.

Có hôm quên, vội quá, không kịp là, bà để quần áo lên giường, dùng tay vuốt đi, vuốt lại nhiều lần. Tôi đứng nhìn theo: cái áo, cái quần, cái khăn quàng đỏ của tôi cũng phẳng phiu, không còn nhầu nhĩ nữa.

Bà giải thích: Làm như thế cũng như là, vì nhiệt từ trong người tỏa ra làm cho tay nóng lên. Rồi bà kể: Thời xưa chưa có  bàn là điện, dùng bàn là than quạt, bẩn. Bà thường gấp quần áo vào trong tờ báo để xuống dưới chiếu, đêm ngủ nằm lên, sáng dậy giở ra, quần áo phẳng phiu. Vì nhiệt từ trong người đã tỏa ra. Ngày nay, thời hiện đại, mọi thứ tối tân. Nhưng rồi khi mất điện hoặc quá vội, bà tôi vẫn thường làm như thế. Bà bảo: Các cụ dạy, đói cho sạch, rách cho thơm. Câu này có ý nghĩa sâu sắc lắm. Ra đường không cần ăn mặc quá diện, quá cầu kỳ. Giản dị nhưng phẳng phiu, sạch sẽ, gọn gàng. Đứng trước mọi người, mình sẽ thấy dễ chịu, tự tin. Đó chính là nét đẹp, nét văn hóa đấy con ạ.

Thời gian trôi đi. Vạn vật có bao điều thay đổi. Nhưng tôi vẫn nhớ mãi những câu nói, những việc làm của bà.