Không thể giá rẻ mãi

ANTĐ - Nếu coi lao động giá rẻ như một lợi thế thì thật sai lầm, bởi yếu tố quyết định đến doanh thu của doanh nghiệp chính là năng suất lao động. Một chuyên gia nguồn nhân lực nhận định như vậy sau khi công bố kết quả khảo sát “Thiếu hụt lao động kỹ năng tại Việt Nam” do Viện Khoa học lao động và xã hội phối hợp với Tập đoàn Manpower tiến hành mới đây tại 6.000 doanh nghiệp ở 9 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Các doanh nghiệp đánh giá chất lượng lao động Việt Nam nằm trong nhóm 10% thấp nhất khu vực ASEAN.

Cụ thể, năng suất lao động của nước ta thấp hơn của Indonesia 10 lần, Malaysia 20 lần, Thái Lan tới 30 lần. Còn so với năng suất lao động của Nhật Bản thì thấp hơn 135 lần. Trong số 6.000 doanh nghiệp được khảo sát, có 1/4 doanh nghiệp cho rằng lao động thiếu hiểu biết về công nghệ và khả năng sáng tạo; 1/5 đánh giá lao động thiếu khả năng thích nghi với công nghệ mới; 1/3 doanh nghiệp không tìm được lao động đáp ứng kỹ năng…

Trong một số ngành như chế biến thực phẩm, xây dựng, hóa chất, y tế, dệt may, tình trạng lao động thiếu hụt kỹ năng khá trầm trọng. Chủ tịch Tập đoàn Manpower nhận định, lợi thế vì chi phí nhân công thấp đang mất dần sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Với chính sách cải cách tiền lương hiện nay, giá nhân công ở Việt Nam đã xếp vào tốp khá cao trong khu vực. Điều này làm giảm đôi chút lợi thế cạnh tranh về lao động giá rẻ vì thế buộc người lao động phải nâng cao kỹ năng, tay nghề. Một trong những thế mạnh của lao động nước ta được các nhà đầu tư nước ngoài ưa thích, đánh giá cao chính là tính cần cù, chăm chỉ và tay nghề khéo léo. Điều này lại có vẻ như mâu thuẫn, khi tay nghề của lao động Việt Nam được đánh giá ngang ngửa, thậm chí còn nhỉnh hơn cả lao động Trung Quốc, thế nhưng năng suất lao động của nước ta lại thấp hơn Trung Quốc.

Những năm trước, các nhà đầu tư ít quan tâm tới điều này vì thuê nhân công giá rẻ vẫn mang lại lợi nhuận đáng kể. Nay việc thuê nhân công Việt Nam so với các nước trong khu vực đã tăng lên, nên yếu tố này đã ảnh hưởng trầm trọng đến lợi nhuận của họ, nhất là trong một số ngành như dệt may, da, giày. Trong khi đó, giá cả đầu vào của những ngành này ngày một tăng cao, làm cho giá bán của doanh nghiệp kém cạnh tranh so với nhiều nước khu vực, buộc những doanh nghiệp phải “bỏ của chạy lấy người”. Theo khảo sát của một số ngành công nghiệp nhẹ, mức lương bình quân của người lao động Việt Nam khoảng 100-150 USD mỗi tháng, đứng sau lương lao động Trung Quốc là 120-180 USD, Indonesia 70-100 USD. So sánh mức chênh lệch trên, giá sản xuất tại nước ta kém cạnh tranh so với nhiều nước khác. Mặt khác, sức ép tăng lương đối với các doanh nghiệp ở nước ta vẫn còn nhiều.

Khi lao động giá rẻ không còn lợi thế thì việc chuyển hóa từ số lượng sang chất lượng là cực kỳ cấp thiết. Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng khẳng định, lợi thế về nguồn nhân lực giá rẻ của nước ta không thể kéo dài mãi. Giá rẻ mà chất lượng kém thì có “bán” mãi cũng chẳng ai mua.