Không thể đo xương để xác định tuổi Công Phượng

ANTĐ - Một trong những biện pháp khoa học được coi là hiệu quả nhất để xác định tuổi đã không thể ứng dụng trong trường hợp của Công Phượng.

Đo xương để xác định tuổi là biện pháp phổ biến nhất trên thế giới hiện nay. Ở Việt Nam, phương pháp tiên tiến này cũng đã được sử dụng tại các giải bóng đá thiếu niên, nhi đồng để phát hiện ra những trường hợp gian lận tuổi. 

Vấn đề xác minh tuổi của Công Phượng bằng giấy tờ đã được báo chí, VFF làm rất kỹ thời gian qua. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về điều này.

Để chấm dứt những tranh cãi, "bầu" Đức đã phải nhờ cơ quan chức năng vào cuộc. Tuy vậy, việc xác minh trên giấy tờ không mang lại kết quả nào khác hơn, bởi tất cả giấy tờ từ khai sinh đến CMND và hộ khẩu đều ghi rõ Công Phượng sinh năm 1995.

Không thể đo xương để xác định tuổi Công Phượng ảnh 1

Tuổi của Công Phượng không còn dùng biện pháp đo xương được nữa

Tiếp đó, biện pháp đo xương đã được tính đến. Tuy nhiên, theo ông Vũ Quang Vinh, Tổng biên tập Báo Thiếu niên Tiền phong, nguyên Phó Chủ tịch VFF là người đã có hàng chục năm gắn bó với bóng đá thiếu niên, nhi đồng, biện pháp này cũng sẽ "không ăn thua" với trường hợp của Công Phượng.

“Các biện pháp về y sinh không thể kiểm tra được trường hợp này. Bởi biện pháp chụp xương bàn tay chỉ có thể xác định tuổi đối với vận động viên dưới 18 tuổi. Việc chụp phim xương tay căn cứ vào lớp sụn nối giữa bàn tay và xương cổ tay. Tuy nhiên, đối với vận động viên trên 18 tuổi thì biện pháp này không hiệu quả”, ông Vinh nói.

Như vậy, Công Phượng vẫn phải chờ vào kết luận của cơ quan chức năng, cụ thể là Công an. Vấn đề là sau khi có kết luận cuối cùng, liệu những tranh cãi có được kết thúc hay vẫn tiếp diễn trong sự mệt mỏi của những người trong cuộc?