“Không thể để người mẹ dã man được nuôi con nữa”

ANTĐ - “Đến động vật còn không ăn thịt con, không thể tưởng tượng người mẹ đánh con như thời trung cổ”, TS Kim Quý nói về việc bé Kim Ngân (Bình Dương) bị hành hạ.
“Không thể để người mẹ dã man được nuôi con nữa” ảnh 1
Những vết thương trên cơ thể sẽ lành, nhưng tổn thương tâm hồn của bé Ngân sẽ còn lại rất lâu


Những ngày vừa qua, dư luận bất bình trước sự việc cháu bé 4 tuổi Trần Thị Kim Ngân (Bình Dương) bị chính mẹ đẻ là Nguyễn Thị Thùy Trang (26 tuổi, quê Vĩnh Long) và người tình của mẹ là Đỗ Trọng Minh (27 tuổi, trú tại Đồng Nai) đánh bầm tím mặt, chấn thương não.

Những hình ảnh mà báo chí đăng tải về khuôn mặt, cơ thể của bé với chằng chịt vết thương trên người sau khi được đưa vào bệnh viện khiến dư luận bàng hoàng, xót xa. Tiến sỹ Tâm lý học Nguyễn Kim Quý (giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội - cố vấn đường dây tư vấn hỗ trợ trẻ em của Cục Bảo vệ Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) bày tỏ: “Tôi thấy sốc quá, không thể tưởng tượng một người mẹ lại đánh con khủng khiếp. Trong thời đại ngày nay mà lại có những hành vi như thời trung cổ, không thể chấp nhận một người mẹ như vậy”. “Hổ dữ không ăn thịt con”, động vật còn biết che chở cho con mình, thực sự người mẹ này đã mất hết nhân tính”, TS Kim Quý nói.

Dưới góc độ một người làm công tác tâm lý, tư vấn bảo vệ trẻ em, TS Kim Quý trăn trở, suy thoái đạo đức đang trở thành vấn đề nhức nhối của xã hội, khi mà giáo dục đạo đức lối sống con người đang bị coi là “xa xỉ phẩm”, dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc. Người làm cha làm mẹ không được giáo dục yêu thương con cái, đến bản năng làm mẹ cũng không có thì quá nguy hiểm. 

Mặc dù hiện nay cháu Ngân đang được theo dõi, chăm sóc tại bệnh viện nhưng Tiến sỹ Kim Quý vẫn lo ngại bé bị sang chấn tâm lý do còn quá nhỏ, bởi trong những cơn ngủ mơ cháu Ngân luôn khóc thét: “Mẹ ơi con nhức đầu”,”Mẹ ơi con đau quá”...

“Cháu Ngân sẽ bị sốc tâm lý vì bé không hiểu tại sao mình bị đánh dã man bởi những người thân. Tâm lý sẽ bị tổn thương hình thành suy nghĩ chẳng ai thương yêu, bảo vệ mình… dẫn đến biểu hiện nhút nhát, hoảng loạn và có thể tự kỷ, trầm cảm, thu mình không giao tiếp với ai”, TS Kim Quý lý giải.

Cũng giống như trường hợp em Hào Anh ở Cà Mau đuổi bố mẹ ra khỏi nhà khiến dư luận phẫn nộ, cậu bé này trước đây còn nhỏ bị vợ chồng chủ trại tôm giống bạo hành dã man. “Một đứa trẻ phát triển nhân cách không hài hòa sẽ ảnh hưởng tâm lý và cách cư xử của bé sau này”, TS tâm lý Kim Quý nhấn mạnh.

Tiến sỹ Kim Quý lo ngại sau này khi lớn lên, cuộc sống của đứa trẻ bị ảnh hưởng, bởi những hình ảnh xấu đó sẽ ám ảnh, đeo đẳng suốt đời. Về lâu dài, có thể đứa trẻ sẽ sử dụng bạo lực tương tự như vậy với bạn bè, người thân.

Chính vì vậy, theo vị chuyên gia này, bé Trần Thị Kim Ngân cần có chuyên gia tâm lý trị liệu để giải tỏa những lo âu, sợ hãi, bế tắc của bé, đặc biệt giai đoạn này.

“Có thể trị liệu tâm lý thông qua trò chơi, trò chuyện và các chuyên gia tâm lý cần hướng dẫn, tư vấn người nuôi, chăm sóc cháu bộc lộ cảm xúc yêu thương để bé hiểu được nhu cầu được an toàn, yêu thương của mình được thỏa mãn. Trong trường hợp này, không thể để người mẹ nuôi cháu nữa. Chuyên gia tâm lý nên tư vấn cho bố bé Ngân cách chăm sóc, hỗ trợ phục hồi về mặt tâm lý cho bé”, Tiến sỹ Kim Quý đưa ra lời khuyên.

Theo thông tin trước đó, hiện nay bé Ngân đang được chăm sóc bởi bố đẻ (anh Trần Văn Tố) và người thân tại bệnh viện. Thời gian vừa qua, rất nhiều người thương cảm, xót xa bé Ngân nên đến động viên, giúp đỡ. Trả lời báo chí, anh Trần Văn Tố nói sẽ giành quyền nuôi con một cách hợp pháp.