Vụ chứng nhận chất lượng phân bón bừa bãi:

Không thể chỉ kiểm điểm qua loa

ANTĐ - Hàng chục triệu nông dân đã dùng phải phân bón kém chất lượng từ những trung tâm giám định không đủ năng lực, chuyên môn  mà Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cấp phép. Hậu quả có thể nói là chưa thể đo đếm hết được nên dư luận cho rằng, cần xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân có trách nhiệm để tăng tính răn đe.

Cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm tra chất lượng phân bón

Sai phạm nối tiếp sai phạm 

Trong số 11 đơn vị được Cục Trồng trọt chỉ định giám định chất lượng phân bón vừa được Thanh tra Bộ NN&PTNT tiến hành thanh tra, Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam bộ (Trung tâm Nam bộ) được “điểm danh” với hàng loạt sai phạm nghiêm trọng. 

Theo Thanh tra Bộ NN&PTNT, Cục Trồng trọt đã ra quyết định chỉ định trung tâm này là tổ chức chứng nhận phân bón khi chưa có Giấy chứng nhận đăng ký lĩnh vực hoạt động. Phòng thử nghiệm phân bón của Trung tâm cũng không có Giấy chứng nhận đăng ký lĩnh vực hoạt động thử nghiệm.

Do sai từ gốc như vậy, trung tâm này đã thực hiện chứng nhận, kiểm nghiệm cho hàng nghìn sản phẩm của hàng trăm doanh nghiệp với mức độ sai phạm được cho là “rất nghiêm trọng”. Cụ thể, Trung tâm Nam bộ đã chứng nhận hợp quy cho 496 sản phẩm không nằm trong danh mục quy định của Bộ NN&PTNT.

Cùng với đó, Trung tâm còn chứng nhận cho 1.274 sản phẩm phân bón vô cơ trong khi Trung tâm này không có chức năng này (chỉ được chứng nhận phân bón DAP và phân lân nung chảy). Đây là hành vi “chứng nhận ngoài phạm vi được chỉ định” mà Nghị định 80/2013/NĐ-CP đã nghiêm cấm. Điều này dẫn đến hàng nghìn sản phẩm phân bón của 276 doanh nghiệp đã không được kiểm soát về chất lượng, chứng nhận sai, nhiều sản phẩm nằm ngoài danh mục cho phép... nhưng đã được đóng dấu “hợp quy”, bán tràn lan trên thị trường.

Từ năm 2013 đến thời điểm kiểm tra, Trung tâm Nam bộ đã ký 569 hợp đồng để thực hiện đánh giá chứng nhận hợp quy và cấp giấy chứng nhận hợp quy cho 5.141 sản phẩm. Giá trị hợp đồng ký kết là hơn 34 tỷ đồng. Đáng nói, kiểm tra số liệu  tài chính cho thấy, trung tâm này có dấu hiệu để ngoài sổ sách, không hạch toán vào hệ thống quản lý tài chính.

Gây họa cho nông dân

Nhìn nhận về tình trạng chứng nhận chất lượng phân bón “liều” của một số đơn vị và việc cấp phép bừa bãi của Cục Trồng trọt, TS Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, chuyên gia trong lĩnh vực phân bón cho rằng, lỗi đầu tiên thuộc về Cục Trồng trọt khi cho phép các đơn vị không đủ năng lực giám định, chứng nhận chất lượng phân bón.

Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng, danh mục phân bón được phép sử dụng của Việt Nam quá dài so với thế giới và tỷ lệ phân bón giả, kém chất lượng quá cao. “Sơ bộ cho thấy, gần 50% phân bón trên thị trường hiện nay là giả hoặc kém chất lượng. Sản phẩm phân bón kém chất lượng, thậm chí là phân bón giả lại được chứng nhận, lưu hành không chỉ ảnh hưởng rất xấu đến kết quả sản xuất nông nghiệp, chất lượng cây trồng mà còn tác động tiêu cực đến thu hoạch, đời sống của hàng vạn hộ nông dân. Phân bón giả, kém chất lượng còn ảnh hưởng rất xấu đến môi trường nước và làm thoái hóa chất lượng đất sản xuất nông nghiệp, gây hậu quả kéo dài”, ông Nguyễn Đăng Nghĩa nhìn nhận.

Thực trạng này còn gây nhiễu loạn thị trường phân bón, ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp phân bón làm ăn chân chính. Ông Nguyễn Đăng Nghĩa bày tỏ: “Có người thiệt hại thì cũng có người được lợi. Đó là nhóm cán bộ đã cố tình cấp chứng nhận cho các trung tâm không có chức năng, không đủ năng lực; đó là các đơn vị giám định phân bón làm liều và cả các doanh nghiệp phân bón làm ăn thiếu nghiêm túc”.

Ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam đánh giá: “Hành vi của 11 trung tâm giám định phân bón cũng như kiểu làm ăn tắc trách của Cục Trồng trọt là không thể chấp nhận được. Những cái sai này đã và đang gây ra hậu quả vô cùng nguy hiểm. Hành động chứng nhận chất lượng phân bón “liều” không khác gì hành vi phá hoại”.

Theo ông Nguyễn Hạc Thúy, cần phải xử lý nghiêm các sai phạm này chứ không thể dừng lại ở kiểm điểm, rút kinh nghiệm. “Trung ương Hội Nông dân và Hiệp hội Phân bón chiều 12-5 đã họp bàn về vấn đề này, đồng thời sẽ có kiến nghị đến các bộ, ngành liên quan để xử lý nghiêm chứ không thể chỉ kiểm điểm, rút kinh nghiệm”, ông Nguyễn Hạc Thúy thông tin.