Không quốc gia nào có chuyện CSGT giữ xe vi phạm chờ thanh tra giao thông tới xử lý

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Sáng 11-11, tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Đại tướng Tô Lâm – Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, ĐBQH đoàn Bắc Ninh đã phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề được đại biểu, cử tri và nhân dân quan tâm.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu thảo luận tổ, sáng 11-11

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu thảo luận tổ, sáng 11-11

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đánh giá việc tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành 2 luật Giao thông đường bộ sửa đổi (do Bộ Giao thông vận tải chủ trì soạn thảo) và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ (do Bộ Công an chủ trì soạn thảo) là hết sức quan trọng, nhằm giải quyết 2 vấn đề rất bức xúc xã hội hiện nay.

Một là, phải tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở giao thông, đặc biệt là đường bộ. Hai là giải quyết trật tự an toàn giao thông đường bộ trong bối cảnh tình trạng vi phạm giao thông đang phổ biến và tràn lan.

“Hậu quả của vi phạm trật tự an toàn giao thông là rất lớn, ảnh hưởng tới trật tự an toàn xã hội”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh và cho biết, quá trình xây dựng luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đã nhận được sự đồng thuận từ các cơ quan tham mưu, đặc biệt là từ chính Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải.

Đi sâu vào phân tích một số vấn đề mà dư luận băn khoăn, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, khi tách làm hai luật sẽ tiết kiệm được rất nhiều chứ không lãng phí như một số lo ngại.

Theo Bộ trưởng, việc này không làm phát sinh thêm nhân sự, thậm chí còn rút gọn được. Ví dụ như, với một số vấn đề, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) có thể phối hợp các đơn vị khác xử lý, không cần lực lượng thanh tra giao thông hoạt động trên mặt đường nữa.

“Không nước nào mà CSGT giữ xe vi phạm lại, sau đó chờ Thanh tra giao thông đi kiểm tra, như thế rất chồng chéo, bất cập”, Bộ trưởng Bộ Công an nói và khẳng định lực lượng CSGT hoàn toàn có thể hoàn thành thêm các nhiệm vụ này nhờ áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật.

Trước băn khoăn về các cơ sở sát hạch lái xe vốn đã được Bộ Giao thông vận tải đầu tư thời gian qua, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định “không đụng chạm” đến các cơ sở này, bởi việc đào tạo lái xe chủ yếu là xã hội hoá, Bộ Công an chỉ kiểm soát cấp bằng lái xe và quản lý bằng lái xe đúng quy trình, quy chuẩn.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng nêu thực trạng hệ thống camera giao thông hiện nay rất nhiều đơn vị trang bị trên nhiều tuyến đường nhưng mỗi bên một kiểu, khi có vi phạm cần kiểm tra xem xe màu gì, biển số bao nhiêu thì camera đó lại không đáp ứng được, lại cần phải trang bị thêm camera chuyên dụng.

“Việc trang bị này phải đạt chuẩn, kết nối và hệ thống lại và như thế sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều”, Bộ trưởng Tô Lâm chỉ ra.

Việc ban hành luật cũng góp phần phục vụ công tác phòng chống tội phạm. Qua tham khảo kinh nghiệm các nước, các xe được tích hợp vào hệ thống dữ liệu trung tâm, giúp kịp thời phát hiện, xử lý thông tin, cũng như phát hiện xe biển giả, biển lệch chuẩn, còn như hiện nay ở ta kiểm soát biển giả rất khó khăn.

Về hệ thống biển báo giao thông, Bộ trưởng cho biết, nhiều nơi đạt chuẩn về hạ tầng nhưng là điểm đen về mất trật tự an toàn giao thông hay tai nạn giao thông thì có thể đề xuất, cắm biển quy định hạn chế tốc độ để cảnh báo người tham gia giao thông.

Về đèn báo giao thông, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, về nguyên tắc, đèn xanh được phép đi, đèn đỏ phải dừng lại, nhưng luật hiện hành quy định có một số loại xe được đi khi đèn đỏ khiến lực lượng làm nhiệm vụ vô cùng vất vả, mỗi khi có đoàn xe ưu tiên phải ra đường chặn các làn xe khác đang lưu thông đúng luật để nhường đường cho xe ưu tiên, tiềm ẩn nguy hiểm cho cả người tham gia giao thông lẫn lực lượng làm nhiệm vụ.

“Tôi đi các nước thấy họ cũng có xe dẫn đường như ở ta, nhưng đi đến đâu là đèn xanh tới đó, do đoàn xe ưu tiên đi tới đâu đều được trung tâm kiểm soát giao thông nước bạn nắm bắt và điều khiển bật đèn xanh. Việc này vừa đúng luật mà vẫn đảm bảo lưu thông thông suốt”, Bộ trưởng Tô Lâm dẫn chứng kinh nghiệm quốc tế và cho biết với hệ thống đèn báo giao thông cần thiết phải có hệ thống điều khiển từ xa.

Cam kết ban soạn thảo sẽ cố gắng hoàn thiện dự án luật trước kỳ họp tới, Đại tướng Tô Lâm đề xuất luật sớm được ban hành để giải quyết được 2 vấn đề nhân dân rất bức xúc hiện nay là hạ tầng và trật tự an toàn giao thông.

Đại biểu Hoàng Thị Thuý Lan (đoàn Vĩnh Phúc) phát biểu thảo luận

Đại biểu Hoàng Thị Thuý Lan (đoàn Vĩnh Phúc) phát biểu thảo luận

Cũng tại phiên thảo luận tổ sáng nay, nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình với việc cần thiết phải ban hành Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Đại biểu Hoàng Thị Thuý Lan (đoàn Vĩnh Phúc) chỉ ra quỹ đất dành cho giao thông hiện nay rất ít, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông. Luật hiện hành có quy định tỉ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với xây dựng đô thị phải đảm bảo từ 16-26%, song nhiều nơi không đạt, như Hà Nội chỉ đạt 0,3%.

“Cần có quy định để phù hợp với từng loại đô thị, sát với tình hình thực tế để mang tính khả thi, tránh tình trạng luật thì cứ quy định còn thực tiễn không đáp ứng được, ảnh hưởng tới sự phát triển giao thông đường bộ”, bà Hoàng Thị Thuý Lan kiến nghị.

Tham gia góp ý về dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, nữ đại biểu đoàn Vĩnh Phúc đề nghị quy định “CSGT được huy động phương tiện giao thông, phương tiện liên lạc trong tình huống cấp bách” cần phải làm rõ hơn.

“Phải quy định rõ trường hợp phương tiện được huy động bị mất, hư hỏng thì xử lý thế nào, có được bồi thường không. Nếu người tham gia bị thương, tổn hại sức khoẻ thì bản thân và người thân có được hưởng chế độ gì không… Quy định cần chi tiết để tạo thuận lợi khi áp dụng luật vào thực tiễn”, bà Hoàng Thị Thuý Lan góp ý.

Tin cùng chuyên mục