“Không quân Taliban” - chiến lược trợ giúp bí mật của quân đội Mỹ ở Afghanistan

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Tờ Washington Post đưa tin, quân đội Mỹ đã ngấm ngầm hỗ trợ Taliban ở Afghanistan bằng cách bí mật không kích giúp họ chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Trước một Taliban tích cực đánh đuổi IS nhưng lại liên kết với nhóm khủng bố Al Qaeda, lực lượng Mỹ ở Afghanistan buộc phải chọn chiến lược riêng như vậy.

Chiến lược này có thể báo trước tương lai về sự can dự của quân đội Mỹ trong khu vực khi nước này rút khỏi các cuộc chiến trên bộ trong khi vẫn duy trì sứ mệnh chống lại IS và al-Qaeda. “Tôi có thể hiểu được sự chán ghét nhất định khi làm việc đó. Nhưng nếu bạn tham gia vào chiến lược tổng thể để Chính phủ Afghanistan và Taliban hòa giải với nhau trong khi vẫn duy trì sức ép lên các nhóm khủng bố quốc tế, thì đó là điều cần phải xảy ra” - tướng về hưu Joseph Votel nói.

Căn cứ của quân đội Mỹ ở Thung lũng Korengal của tỉnh Kunar vào năm 2009

Căn cứ của quân đội Mỹ ở Thung lũng Korengal của tỉnh Kunar vào năm 2009

Hiện tượng lạ ở Konar - thành trì của IS

Trung sĩ Steve Frye đóng quân ở Afghanistan mùa hè năm ngoái, trong lúc lướt các trang mạng về quân sự, anh bắt gặp đoạn video trực tiếp về trận chiến ở thung lũng Korengal (tỉnh Konar, miền Đông Afghanistan), nơi anh từng tham chiến 13 năm trước. Ở đây địa hình rất phức tạp và đã có ít nhất 40 lính Mỹ đã thiệt mạng bao gồm một số người bạn của Frye.

Xem kỹ cảnh quay bằng máy bay không người lái Reaper, anh thấy không có binh sĩ Mỹ hay Afghanistan nào tham gia vào cuộc giao tranh mà chỉ có quân Taliban và Nhà nước Hồi giáo. Frye chắc chắn rằng, 2 lực lượng này đã đăng ảnh và video lên các kênh tuyên truyền khi họ tranh giành quyền kiểm soát Korengal cùng hoạt động kinh doanh gỗ béo bở của khu vực này. Nhưng điều mà Frye không biết là các lực lượng đặc nhiệm Mỹ đang chuẩn bị can thiệp vào cuộc giao tranh ở tỉnh Konar không phải bằng cách tấn công cả 2 bên mà họ sử dụng máy bay không người lái và các loại máy bay khác để giúp Taliban. Sức mạnh của Không quân Mỹ sẽ giữ chân đối thủ, mang lại lợi thế cho Taliban.

Cuối năm ngoái, Tổng thống Donald Trump từng nói là sẽ ra đòn “cứng rắn hơn so với những gì Taliban từng bị tấn công trước đây” để buộc nhóm này trở lại bàn đàm phán Doha (Qatar). Thời điểm đó, ông Trump đã tạm dừng các cuộc đàm phán hòa bình và hủy cuộc gặp thượng đỉnh (được lên kế hoạch bí mật) với các thủ lĩnh Taliban tại Trại David. Các quan chức Mỹ ám chỉ rằng, Taliban sẽ phải chịu những đợt oanh tạc dồn dập trừ khi họ nhượng bộ nhiều hơn.

Nhưng trên thực tế, ngay cả khi các chiến đấu cơ tấn công Taliban ở Afghanistan, quân đội Mỹ vẫn âm thầm giúp họ làm suy yếu đội quân IS tại thành trì Konar, ngăn chặn IS mở rộng quyền kiểm soát. Vào tháng 3-2020, vài ngày sau khi các nhà ngoại giao Mỹ và đại diện của Taliban ký một thỏa thuận rút quân ở Doha, tướng Frank McKenzie - chỉ huy quân Mỹ tại Afghanistan và Trung Đông, nói với Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ rằng, Taliban đã nhận được “sự hỗ trợ rất hạn chế từ chúng tôi”. Ông từ chối giải thích và hình thức hỗ trợ chưa được tiết lộ công khai. Nhưng thực tế, đội đặc nhiệm Mỹ làm nhiệm vụ này được gọi đùa là “Lực lượng Không quân Taliban”.

Thỏa thuận ngầm không cần giao tiếp

Đáng chú ý, quân Mỹ có thể làm như vậy chỉ bằng các thông tin tình báo họ thu thập được mà không cần giao tiếp với Taliban. Sử dụng máy bay không người lái Reaper cùng tổ hợp tình báo rộng lớn từ lâu đã quen thuộc với việc giám sát hoạt động du kích ở Afghanistan, đặc nhiệm Mỹ đã theo dõi các hoạt động liên lạc, di chuyển của Taliban, sau đó lên kế hoạch không kích giúp nhóm này chống lại IS. Các thành viên của Bộ Chỉ huy tác chiến đặc biệt (JSOC) Mỹ cho biết, họ biết rõ Taliban đang chuẩn bị tấn công IS ở đâu, khi nào, và họ sẽ tiến hành không kích vào nơi có lợi nhất cho Taliban. Các đơn vị Taliban thường chờ đợi đến khi nghe thấy tiếng bom do Mỹ không kích là xông lên tấn công các vị trí của IS.

Thực tế tiền thân của chiến lược này đã có từ nhiều năm trước. Joseph Votel - một tướng quân đội đã nghỉ hưu, cựu chỉ huy lực lượng JSOC nói rằng, trong nhiệm kỳ 2016-2019, ngay cả trước khi quân đội Mỹ hỗ trợ trên không, họ đã từng ngừng ném bom đối với các nhóm Taliban đang chuẩn bị cho các cuộc tấn công chống lại IS. Không rõ liệu Kabul có nhận thức được vai trò của các cuộc không kích của Mỹ ở Konar hay không, nhưng quân đội Afghanistan cũng đã hợp tác với Taliban.

Năm 2018, khi quân Mỹ đến tỉnh Konar để hỗ trợ một cuộc tấn công của quân đội Afghanistan, họ đã được quân đội Afghanistan nhờ cứu chữa cho “những người dân địa phương” có vẻ ngoài trông khá kỳ lạ. Đó là những người đàn ông cứng rắn, râu rậm, và vừa đi từ chiến trường về. Một số cố vấn Mỹ cho rằng, những người này thực chất là chiến binh Taliban đang cộng tác với quân đội chính phủ với tư cách là người hướng dẫn hoặc trinh sát, dù các sĩ quan Afghanistan không nói rõ ra điều đó. Trong cuộc bầu cử Tổng thống ở Afghanistan vào tháng 9-2019, các chiến binh Taliban đã bảo vệ một số ngôi làng ở thung lũng Pech của tỉnh Konar chống lại IS. Họ thậm chí còn đốt nhà của các thành viên bị nghi ngờ theo IS và khuyến khích người dân đi bỏ phiếu.

Các già làng ở Thung lũng Korengal, Afghanistan hầu hết có quan hệ với chiến binh Taliban địa phương trong cuộc họp với các quan chức quân đội Mỹ và Afghanistan vào năm 2008

Các già làng ở Thung lũng Korengal, Afghanistan hầu hết có quan hệ với chiến binh Taliban địa phương trong cuộc họp với các quan chức quân đội Mỹ và Afghanistan vào năm 2008

Tình thế kỳ lạ của quân đội Mỹ

Mối quan hệ hợp tác thầm lặng với Taliban khiến quân đội Mỹ rơi vào tình thế kỳ quặc. Mặc dù Taliban đang chiến đấu với IS, nhưng quan trọng là Taliban lại liên minh với al-Qaeda, kẻ đã đưa quân đội Mỹ đến Afghanistan. Tuy nhiên, các cựu binh ở Konar cho rằng, điều này là cần thiết để bảo toàn cho binh sĩ Mỹ. “Tôi không nghĩ rằng người Mỹ nên có mặt trong cuộc đọ súng với Taliban và chúng tôi cần ai đó chiến đấu chống lại IS. Vì vậy, tôi thấy việc hỗ trợ ngầm này không có vấn đề gì, nó cũng không có nghĩa là chúng tôi muốn hợp tác với họ. Một phần vì chúng tôi đã trải qua gần 20 năm chống Al-Qaeda, nhưng Taliban đã không tấn công Mỹ trong thảm kịch khủng bố ngày 11-9” - Trung tá Jason Dempsey, một người từng chiến đấu ở Konar năm 2009 nói.

Joseph Votel, người từng tham chiến ở Konar vào năm 2007-2008 cho biết, tình thế trên giống như việc quân Mỹ đối xử với nhóm dân quân người Shiite (do Iran hậu thuẫn) trong chiến dịch triệt phá quân IS khỏi Iraq. Ông nói: “Nó không khác nhiều lắm. Các nhóm Shiite đang đóng vai trò chống lại kẻ thù chung và chúng tôi cố gắng tạo điều kiện cho họ chiến đấu với IS”.

Diễn biến tại Konar gợi lên những điều mà Mỹ có thể làm trong thời gian tới đối với Afghanistan. Theo thỏa thuận Doha, chính quyền Tổng thống Trump sẽ rút toàn bộ quân khỏi Afghanistan vào mùa xuân 2021. Và nếu tới đây, chính quyền mới của Mỹ tạm dừng việc này lại, họ sẽ phải tìm cách truy lùng IS và al-Qaeda chỉ với 4.500 binh sỹ còn lại vào tháng 11 hoặc thậm chí ít hơn.

Thỏa thuận Doha yêu cầu Taliban ngăn chặn các nhóm khủng bố sử dụng lãnh thổ của mình để lên kế hoạch tấn công quốc tế, nhưng không nêu điều kiện Taliban phải ngừng quan hệ với al-Qaeda. Quân đội Mỹ năm ngoái đã đoán rằng, thành viên al-Qaeda ở Afghanistan hiện là 300 người, tăng gấp đôi so với ước tính của 10 năm trước, khi mà gần 100.000 lính Mỹ có mặt tại nước này.

Trong khi đó, chi nhánh IS ở Afghanistan dường như bao gồm hầu hết các chiến binh địa phương, từ Konar cho đến các khu vực lân cận. Hiện nay, số người tham gia IS có vẻ gia tăng hơn vì tổ chức này đang đưa ra mức lương cao và hứa hẹn thăng tiến. Nếu đúng là IS không gây ra nhiều mối đe dọa đối với Mỹ hoặc các đồng minh, Taliban có thể đánh bại nhóm đó với một chút trợ giúp ngầm từ quân đội Mỹ. Đó là một điểm có lợi cho kế hoạch rút quân của chính quyền Tổng thống Trump, và các quan chức hy vọng al-Qaeda có thể bị kết liễu cũng theo cách tương tự.

Không giống như Taliban - phần lớn hoạt động ở Afghanistan, IS bị Mỹ coi là một tổ chức khủng bố quốc tế có ý đồ tấn công châu Mỹ và châu Âu. Khi Taliban vẫn đang chiến đấu chống IS ở Konar, sự hợp tác ngầm giữa Mỹ và Taliban là cần thiết để chống lại kẻ thù chung. Nếu Taliban có thể kiểm soát đội quân IS hoặc thậm chí đánh bại nó với một chút trợ giúp từ quân đội Mỹ, đó là một điểm có lợi cho kế hoạch rút lui của chính quyền Tổng thống Trump.