Không quân Mỹ yêu cầu phát triển tên lửa "rắn đuôi chuông" mới

ANTĐ - Trang mạng quân sự “Strategypage” Mỹ ngày 4/9/2012 đăng tải thông tin, không quân Mỹ yêu cầu công ty Raytheon phát triển một loại tên lửa không đối không mới.

Thông tin chính thức cho biết, không quân Mỹ đã lựa chọn dùng loại tên lửa không đối không “Rắn đuôi chuông - Sidewinder” kiểu AIM-9X-2 làm nguyên mẫu để phát triển loại tên lửa không đối không mới có tầm bắn xa hơn, đầu đạn sử dụng thuốc nổ không nhạy. Tầm bắn xa nhất của thế hệ AIM-9X là hơn 20km, còn tầm bắn của một số loại tên lửa điều khiển tìm nhiệt khác đã vượt quá 70km, mà trong không chiến, tầm bắn xa của các loại tên lửa là rất quan trọng.

Kiểu đầu tiên của dòng tên lửa Sidewinder ra đời vào thập niên 50 – thế kỷ XX, AIM-9X-2 ra đời sau gần 60 năm, là phiên bản mới nhất của dòng tên lửa này. Cho đến nay, nó đã chứng tỏ là một loại tên lửa không đối không hiệu quả cao nhất trong số các loại đã sản xuất. Ngoài Mỹ ra, một số quốc gia khác như Nga và Trung Quốc cũng có những loại tên lửa không đối không cực kỳ tiên tiến, kiểu AIM-9X-2 tuy chỉ là một phiên bản nâng cấp liên tục của dòng tên lửa Sidewinder nhưng không bao giờ bị bị tụt hậu.

Kiểu đầu tiên của dòng tên lửa Sidewinder là AIM-9B dài 9,3 feet (3m), trọng lượng 156 pound (71 kg) chỉ có tầm bắn xa nhất là 5km, nó chỉ có thể tấn công mục tiêu chính diện phía trước. Thế hệ tên lửa đầu tiên này đã từng giao chiến trong các cuộc không kích với Mig-17, Mig-19 và Mig-21 của Việt Nam trong khoảng thời gian 1965 – 1972.

Thế hệ tiếp theo của dòng tên lửa Sidewinder là AIM-9M, tuy tính linh hoạt và một số tính năng của nó đều không sánh được với AIM-9X nhưng về mức độ chính xác thì không hề thua kém.

Thế hệ AIM-9X ngày nay giữ nguyên độ dài, nhưng trọng lượng tăng lên 85,3 kg, tầm bắn đã vượt quá 20km, tất cả các loại tên lửa Sidewinder đều có đầu đạn nặng 22 pound (10kg) và có thể tấn công mục tiêu từ bất cứ góc độ nào. Nó được đưa vào biên chế quân đội Mỹ năm 2003, cho đến nay đã sản xuất được hơn 4000 quả. Còn kiểu AIM-9X Block II (tức AIM-9X-2) bắt đầu được triển khai trong quân đội Mỹ năm 2008, có giá khoảng 500.000 USD/quả. Kiểu tên lửa này có thể khóa mục tiêu sau khi phóng, tức là trên đường bay có thể dùng chuỗi số liệu để dẫn đường tên lửa bay đến mục tiêu, có thể sử dụng tấn công máy bay hoặc mục tiêu mặt đất ở hậu phương quân địch. Đầu dẫn tên lửa và các thiết bị khác cũng được cải tiến, hiện đại hơn kiểu AIM-9X trước nó.

Loại tên lửa sắp được nghiên cứu, chế tạo (có thể được đặt tên AIM-9X-3 tức AIM-9X BlockIII) không chỉ có tầm bắn xa hơn mà còn được thay thế một số thiết bị, linh kiện hiên đại hơn. Không những thế đầu nổ của nó sử dụng thuốc nổ không nhạy, là thành quả nghiên cứu mấy chục năm của ngành vũ khí hóa học Mỹ. Thuốc nổ không nhạy là thuật ngữ dùng để chỉ loại thuốc nổ phải kích mới nổ được, kể cả khi một loại thuốc nổ khác hoặc bom con (của loại bom bi) nổ gần khu vực cất trữ thì trong đại đa số tình huống nó cũng chỉ bị đốt cháy hoặc bị thổi bay ra ngoài mà không phát nổ. Cách đây không lâu, giá thành của thuốc nổ không nhạy hết sức đắt đỏ, nhưng giờ nó đã giảm xuống nên có thể dùng để thay thế các loại thuốc nổ nhạy cảm thông thường.

Các loại vũ khí hạt nhân chính là loại đầu tiên sử dụng thuốc nổ không nhạy. Nguyên lý của của vũ khí hạt nhân là sử dụng thuốc nổ để khởi động phản ứng nhiệt hạch. Sử dụng thuốc nổ không nhạy, kể cả khi máy bay bị bắn rơi, các loại vũ khí hạt nhân mà nó mang theo cũng không phát nổ vì thuốc nổ không nhạy làm mồi đã bị đốt cháy hết. Hiện quân đội Mỹ đang triển khai sử dụng loại thuốc nổ này trong ngư lôi, đạn pháo, tên lửa… để tránh phát sinh các vụ nổ ngoài ý muốn, giải tỏa mối nguy hiểm thường trực đối với tàu chiến, máy bay và lực lượng hỏa lực bộ binh Mỹ.

Hiện nay Mỹ đang hy vọng dùng loại tên lửa không đối không tầm xa điều khiển bằng radar này thay thế cho các loại tên lửa không đối không tìm nhiệt tầm gần nhưng điều này không thể thực hiện trong một sớm, một chiều. Hiện nay, các hệ thống radar và các thiết bị cảm biến đối không của Mỹ đang gặp trục trặc. Đầu tháng 8, Đài Loan đã phải tháo gỡ toàn bộ 1100 quả tên lửa AIM-7 Sparrow của hãng Raytheon khỏi máy bay, cất vào kho chờ kiểm định lại vì tên lửa không tiêu diệt được mục tiêu. Đồng thời hãng Raytheon cũng đã gửi thông báo cho tất cả khách hàng tạm ngừng sử dụng tên lửa Sparrow.