Không quân Mỹ dùng “giáo thần” 1000km để khắc chế Trung Quốc

ANTĐ - Tờ USA Today ngày 18-3 cho biết, Mỹ sẽ sử dụng loại tên lửa chống hạm tầm xa thế hệ mới, có tầm phóng trên 1000 km để khắc chế chiến lược “chống tiếp cận/khu vực cấm” (A2/AD) của một số nước như Trung Quốc, Iran…

Hiện nay, Bộ quốc phòng Mỹ đang đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu, chế tạo một loại tên lửa chống hạm tầm xa (LRASM), tầm bắn trên 1000km, có khả năng tấn công chính xác các tàu mặt nước của đối thủ. Loại tên lửa này thậm chí được cho là có khả năng ngắm trúng và bắn trúng cả hệ thống tên lửa chống hạm của tàu chiến đối phương, là mũi “giáo thần” lợi hại của không quân Mỹ.

Cục nghiên cứu các dự án cao cấp của Bộ quốc phòng Mỹ (DARPA) đã trao một hợp đồng có thời hạn 2 năm, trị giá 175 triệu USD cho công ty Lockheed Martin để nghiên cứu, phát triển loại tên lửa chống hạm tầm xa này. Chương trình này đã được khởi động bắt đầu từ năm 2009 và hiện đã thu được những kết quả khả quan.

Trong tháng này, chính phủ Mỹ cũng đã ký với Lockheed Martin một hợp đồng mua sắm có trị giá 353 triệu USD, mua 224 quả tên lửa tấn công liên hợp không đối đất (JASSM). Loại tên lửa này có cùng một nền tảng công nghệ với LRASM, cũng chuyên được sử dụng để phá chiến lược “chống tiếp cận/khu vực cấm” của những đối thủ có khả năng A2/AD mạnh như Trung Quốc.

Không quân Mỹ dùng “giáo thần” 1000km để khắc chế Trung Quốc ảnh 1

Mỹ sẽ sử dụng tên lửa hành trình chống hạm LRASM để phá chiến lược A2/AD

Theo tin cho biết, vào tháng 8 và tháng 11 năm ngoái, hải quân Mỹ đã thử nghiệm thành công LRASM-A liên tiếp 2 lần. Dự kiến đến năm 2016, Lockheed Martin sẽ hoàn tất giai đoạn nghiên cứu, phát triển; đến năm 2018 sẽ chính thức trang bị hàng loạt trên các máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer và cả tiêm kích chiến thuật F-18 Hornet.

Báo cáo của DARPA còn cho biết, công ty Lockheed Martin sẽ được đầu tư thêm 132 triệu USD với thời hạn tối đa là đến năm 2018, tên lửa phải được triển khai lắp đặt trên máy bay. DARPA tuyên bố, khi LRASM được đưa vào sử dụng, với khả năng tấn công tầm xa cực kỳ chính xác của mình nó sẽ giúp lực lượng tác chiến liên hợp Mỹ giảm thiểu những thiệt hại khi tiếp cận vòng cung hỏa lực của đối phương.

Theo tiết lộ của “Popular Mechanics”, do ảnh hưởng của cắt giảm ngân sách quốc phòng, dự định phát triển các phiên bản của LRASM đã bị thu hẹp đáng kể trong giai đoạn đầu, từ bao gồm cả 2 phiên bản tốc độ siêu âm và dưới âm, giờ chỉ còn duy nhất loại tên lửa tốc độ dưới âm, phóng từ trên không, được bù đắp khiếm khuyết tốc độ bằng công nghệ tàng hình tiên tiến.

Không quân Mỹ dùng “giáo thần” 1000km để khắc chế Trung Quốc ảnh 2

Tên lửa tấn công liên hợp không đối đất AGM-158 JASSM

Để hạ thấp giá thành sản phẩm, Lockheed Martin đã kế thừa và phát triển rất nhiều công nghệ sẵn có, từ đó đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu. Trong đó, có khá nhiều công nghệ được “rút lõi” từ phiên bản tăng tầm bắn của tên lửa không đối đất JASSM. Vì vậy, nhìn chung là ngoại hình của cả 2 loại tên lửa này có nhiều điểm rất giống nhau.

LRASM sử dụng rất nhiều vật liệu composite, có khả năng làm giảm tối thiểu bức xạ radar, tăng cường khả năng tàng hình, nâng cao năng lực đột phá. Đồng thời, nó còn được trang bị thêm một số thiết bị cảm biến và một vài hệ thống con, tăng cường khả năng che giấu và lẩn tránh để nâng cao tính sinh tồn trong hành trình dài với tốc độ dưới âm, có khả năng tấn công hủy diệt các mục tiêu được bảo vệ nghiêm ngặt bằng các hệ thống phòng không mạnh.

Do sử dụng một loại động cơ thế hệ mới và thiết kế cải tiến, mở rộng dung tích của khoang chứa nhiên liệu nên tầm bắn của tên lửa có thể vượt quá 1000km.

Với khả năng tấn công chính xác, tầm bắn xa, tính năng tàng hình mạnh, hệ thống điều khiển và dẫn hướng tiên tiến, LRASM có khả năng tác chiến trong mọi điều kiện không gian và thời gian, trong bất cứ hoàn cảnh chiến trường nào, kể cả nhiễu điện từ dày đặc, phá vỡ các hệ thống phòng không hạm tiên tiến nhất, tấn công chính xác hủy diệt hạm đội của đối phương.