- Tiêm kích J-10CE chứng tỏ khả năng tác chiến vượt trội khi bắn hạ chiến đấu cơ Rafale
- Tên lửa AIM-9X Block II vô hiệu hóa mọi hệ thống phòng vệ của tiêm kích Su-30SM

Hôm 7/5/2025, Không quân Ấn Độ (IAF) đã tiến hành đáp trả vụ tấn công khủng bố diễn ra trước đó bằng cách oanh tạc nhiều mục tiêu ở khu vực biên giới của Pakistan, dẫn đến trận không chiến lớn nhất trong thế kỷ 21.

Mặc dù cả hai bên đều tuyên bố mình là người chiến thắng khi giáng cho đối phương thiệt hại nặng nề, nhưng căn cứ vào bằng chứng được đưa ra, có nhiều dấu hiệu cho thấy IAF đã phải trả giá đắt.

"Cuộc đụng độ giữa chiến đấu cơ Pakistan và Ấn Độ có sự tham gia của tổng cộng 125 tiêm kích, đây là một trong những trận không chiến lớn nhất và kéo dài nhất trong lịch sử hiện đại", người phát ngôn Quân đội Pakistan cho biết.

Theo tính toán từ New Delhi, Chiến dịch Sindoor nhằm vào các căn cứ bị cáo buộc là do các tổ chức khủng bố sử dụng, có lẽ nhằm mục đích phô trương sức mạnh trước Pakistan khi huy động những đơn vị được trang bị tốt nhất của IAF.

Không quân Ấn Độ đã huy động tiêm kích Rafale mang tên lửa hành trình Scalp-EG và bom lượn AASM Hammer, ngoài ra có cả tiêm kích Su-30MKI mang tên lửa siêu âm BrahMos, cũng có thông tin máy bay AWACS ERJ-145 hoặc A-50E tham gia hỗ trợ.

Cuộc tấn công được thực hiện từ không phận Ấn Độ, điều này lẽ ra phải giúp giảm rủi ro nhưng Pakistan đã chuẩn bị sẵn khi kịp thời đưa tiêm kích lên không trung và gây ra một số thiệt hại đáng kể cho đối phương.

Các quan chức Quân đội Pakistan chính thức tuyên bố rằng họ đã bắn hạ ít nhất 5 máy bay chiến đấu của Không quân Ấn Độ trong trận chiến, thậm chí con số có thể lên tới 12 nếu các phi công không nhận lệnh "chỉ bắn vào chiến đấu cơ nào phóng tên lửa".

Theo các nguồn tin bổ sung, trong số tiêm kích Ấn Độ bị bắn rơi bao gồm 3 chiếc Rafale, 1 chiếc MiG-29 và 1 chiếc Su-30MKI (điều này được chứng minh bằng bức ảnh chụp ghế phóng K-36DM tìm thấy tại hiện trường).

Như vậy tổn thất lớn nhất thuộc về các tiêm kích Rafale do Pháp sản xuất, Ấn Độ đã mua 36 chiếc vào năm 2016 và chỉ một tuần trước, New Delhi ký hợp đồng mua thêm 26 chiếc phiên bản Rafale-M để triển khai trên tàu sân bay của Hải quân.

Rafale là tiêm kích hiện đại nhất đang phục vụ trong Không quân Ấn Độ, được Bộ Tư lệnh IAF coi là "át chủ bài". Khả năng mua thêm 114 chiếc nữa đã được cân nhắc, tuy nhiên tổn thất lớn vừa qua có thể khiến New Delhi suy nghĩ lại.

Về phía Không quân Pakistan (PAF), rõ ràng họ đã huy động các máy bay chiến đấu một động cơ JF-17 Thunder vốn đã phục vụ từ lâu trong biên chế PAF, và J-10CE mua từ Trung Quốc vào năm 2021 với số lượng 25 chiếc.

Những chiếc J-10CE là một phần của đơn vị không quân tinh nhuệ, tương tự như trung đoàn trang bị tiêm kích Rafale của IAF, chúng có khả năng sử dụng tên lửa không đối không tầm xa PL-15 do Trung Quốc chế tạo với tầm bắn lên tới 200 km.

Có khả năng tiêm kích J-10CE và cả JF-17 Block 3 của PAF được hỗ trợ bởi máy bay AWACS do Trung Quốc hoặc Thụy Điển sản xuất, đi kèm máy bay tiếp nhiên liệu Il-78 để nối dài tầm hoạt động.

Tương tự Ấn Độ, tiêm kích Pakistan cũng hoạt động trong không phận của họ và từ đó tấn công máy bay đối phương. Theo số liệu ghi nhận, các chiến đấu cơ hai bên bay cách nhau khoảng 100 - 200 km.

"Không quân Ấn Độ tỏ ra kém cỏi trong chiến đấu, trong khi tiêm kích Rafale được đánh giá quá cao", Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan - ông Khawaja Asif nhấn mạnh.

Không quân Pakistan với máy bay chiến đấu Trung Quốc chính là lực lượng được đào tạo bài bản và có tổ chức tốt nhất trong số các quốc gia Hồi giáo.

Mặc dù vậy phải thừa nhận rằng Islamabad đã lường trước được cuộc tấn công từ phía đối phương và lên phương án đối phó sẵn, đặc biệt khi New Delhi thậm chí đã thông báo về cuộc tấn công từ trước, cho thấy thái độ coi thường đối phương.

Khi đã có sự chuẩn bị sẵn, Không quân Pakistan chỉ cần phải sẵn sàng đẩy lùi cuộc tấn công, họ đã lên phương án cụ thể và đạt được hiệu quả tác chiến cao, cho dù bị đánh giá thấp hơn.

Điển hình như tiêm kích JF-17 và J-10CE đã nhận thông tin từ máy bay AWACS, chúng bay ở độ cao thấp gần mặt đất, trong khi tiêm kích Ấn Độ đạt đến độ cao phóng tên lửa hành trình, sau đó khi đối phương quay lưng mới lao lên để phóng tên lửa.

Bên cạnh đó, trận không chiến quy mô lớn này cho thấy tiêm kích Rafale không được như quảng cáo khi nhận đánh giá quá cao, trong khi tiêm kích cùng tên lửa do Trung Quốc sản xuất cho thấy tính năng tác dụng rất đáng nể.



















