Không phân biệt đối xử

ANTĐ - Tròn 20 năm phát triển các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập theo hình thức xã hội hóa, mô hình này đã gặt hái được những “mùa quả” như thế nào? Tại hội nghị tổng kết 20 năm ngành giáo dục đại học ngoài công lập, rất nhiều ý kiến đã thẳng thắn phân tích, đánh giá về thực trạng bất cập cũng như “bất công” mà các trường này đang phải gánh chịu. Thậm chí có những câu hỏi được đặt ra: Tồn tại hay không tồn tại hệ thống đại học, cao đẳng ngoài công lập? Để trả lời được câu hỏi này thì phải đặt vấn đề mà dư luận đang quan tâm: các trường này có đáp ứng được yêu cầu của xã hội hay không?

Bản chất cuối cùng của giáo dục là sản phẩm “đầu ra” và từ đó mới có thể đánh giá chất lượng đào tạo của hệ thống giáo dục công cũng như ngoài công lập. Một hiệu trưởng trường đại học công nghệ phân tích, từ khâu đào tạo đến khâu ra sản phẩm và đến tay nhà tuyển dụng là một vòng tròn khép kín. Do vậy, muốn nâng cấp hệ thống không thể chi phối nhà tuyển dụng hay ép buộc người học để cho ra sản phẩm tốt. Điều cần làm là cơ quan quản lý phải tác động mạnh và hiệu quả vào hệ thống các trường để đưa ra sản phẩm mà các doanh nghiệp, công ty và xã hội có thể chấp nhận. Hiện nay, trường công lập được nhà nước đầu tư, nhưng lại được tuyển sinh “vét” đến điểm sàn. Họ tuyển sinh theo kiểu “bắt từ con tôm, con tép” khiến cho trường công có tới hàng chục nghìn sinh viên, trong khi trường ngoài công lập lao đao.

Hiệu trưởng một trường ngoài công lập đưa ra hình ảnh ví von này và cho rằng đổi mới chính sách giáo dục đào tạo, thì người quản lý cũng phải đổi mới. Sự bất bình đẳng giữa trường công lập và ngoài công lập đã được hội nghị chỉ ra. Đó là điểm sàn, điều kiện vào đại học như nhau, nhưng sinh viên trường công được hưởng học bổng, còn sinh viên trường ngoài công lập phải đóng học phí cao hơn, nhà trường còn bị thu thuế 10% theo Luật Doanh nghiệp nên phải tăng giá tiền ăn ở, gửi xe…

Trong khi đó, đầu ra sinh viên công lập được doanh nghiệp ưu ái, còn một số địa phương công khai tuyên bố không tuyển người “ra lò” từ các trường ngoài công lập. Ai sẽ gửi con đến các trường này khi mà sinh viên ra trường không được chào đón? Nếu không giải quyết hàng loạt những bất cập đang tồn tại thì ai dám bỏ tiền đầu tư vào giáo dục đại học, cao đẳng? Có ý kiến cho rằng nên tách biệt chức năng của hai hệ thống giáo dục này. Đại học công lập chuyên đào tạo nhân tài, tức là “lò luyện thép”, là “tàu đánh bắt xa bờ”. Còn đại học dân lập là “lò rèn búa, rèn dao”, là “đánh bắt tôm cá gần bờ”. Không đồng tình với quan điểm đó, Phó Thủ tướng Chính phủ hy vọng, tuy còn khó khăn lúc đầu, trường ngoài công lập với những thế mạnh của mình sẽ phải bắt được những “con cá to”.

Hy vọng việc bỏ điểm sàn, thay bằng tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào có thể giúp nhiều trường ngoài công lập bớt khó khăn trong tuyển sinh. Song, ngoài chính sách bình đẳng, điều quan trọng là không phân biệt đối xử giữa công lập và ngoài công lập. Trường nào cũng chỉ có một mục đích là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ưng nhu cầu thiết thực của xã hội.

Tin cùng chuyên mục