Không phải thương binh sử dụng xe thương binh bị xử lý thế nào?

ANTD.VN - Tôi không phải là thương binh nhưng để mưu sinh, năm 2011 tôi đã mua một chiếc xe ba bánh tự chế sử dụng vào việc bán hoa quả. Trong quá trình bán hàng tôi vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông và văn minh đô thị nên bị lực lượng làm nhiệm vụ lập biên bản tạm giữ chiếc xe trên. Từ đó đến nay, cơ quan chức năng không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tôi, không trả lại xe cho tôi cũng không có quyết định thu giữ chiếc xe trên. Trong trường hợp này, tôi muốn lấy lại chiếc xe để bán cho người khác thì làm thế nào? Nguyễn Văn Dũng(Huyện Gia Lâm, Hà Nội)

Trả lời: Theo thông tin ông cung cấp, chiếc xe bị tạm giữ theo Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính do vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông và văn minh đô thị. Thời hạn tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính không được quá 30 ngày theo khoản 8 điều luật này.

Thời hạn tạm giữ cũng được ghi rõ trong Quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính: “Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề là 7 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, giấy phép, chứng chỉ hành nghề”.

Theo quy định, xe ba bánh chỉ dành cho thương binh để di chuyển chứ không phải để chở hàng hóa

Tuy nhiên, trong trường hợp quá thời hạn tạm giữ nhưng chủ phương tiện không đến nhận lại phương tiện, thì phương tiện có thể sẽ bị xử lý theo quy định tại khoản 4, điều 126: “Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính quá thời hạn tạm giữ nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc trường hợp không xác định được người vi phạm thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ; trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo, niêm yết công khai, nếu người vi phạm không đến nhận thì người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để xử lý theo quy định tại Điều 82 của luật này”, đó chính là việc bán đấu giá tài sản.

Bởi vậy, ông nên đến cơ quan đã lập Biên bản tạm giữ xe để kiểm tra xem phương tiện của mình đã bị xử lý ra sao để có biện pháp khắc phục.

Không phải thương binh sử dụng xe thương binh bị xử lý thế nào? ảnh 2

Luật sư Vũ Quang Vượng - Giám đốc Công ty Luật TNHH Quang Vượng Địa chỉ: Số 6D, 29 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội