7 ngân hàng nhận thế chấp kho cà phê

Không phải nợ xấu mà là nợ… “biến”

ANTĐ - Chiều 6-12 các anh em nhà báo và cả các chuyên gia tài chính đang công tác ở TP Hồ Chí Minh đều nhận được tin nhắn lên ngay Bình Dương mà xem nhân viên 7 ngân hàng đang chiến đấu theo đúng nghĩa đen để dành lấy chút ít cà phê bù cho số nợ có mỗi... 700 tỷ đồng. Việc này đã dẫn đến căng thẳng giữa lực lượng bảo vệ các ngân hàng - một nhân chứng nói và cho biết mọi việc chỉ yên ắng khi lực lượng công an có mặt.

Các nhân viên 7 ngân hàng tại kho cà phê thế chấp của Công ty Trường Ngân

Nghe nói kho cà phê của Cty TNHH Trường Ngân có tới 3.360 tấn. Dẫu giá trị của nó chỉ khoảng 100 tỷ chỉ bằng 14% số nợ, nhưng méo mó, có hơn không, được đồng nào hay đồng đấy. Thế nhưng khi một cơ quan thi hành án mở kho, cân và kiểm đếm cà phê, thì kinh quá, một bao cà phê thì có một bao sỏi đất, hoặc rác, nghĩa là chưa biết cà phê có thật là bao nhiêu? Quay sang ông Nguyễn Đăng Sơn - Giám đốc Công ty TNHH Trường Ngân, chỉ thấy ông cười nhạt: Ờ thì vốn là hơn 3.000 tấn thật, nhưng khó khăn quá, tôi bán bớt đi rồi, bây giờ chắc còn cỡ 2.800 tấn. Cơ quan thi hành án kiểm đếm hơn 600 bao cà phê thì có tới gần 300 bao rác, đất, sỏi. Toàn bộ kho hàng này được 7 ngân hàng nhận thế chấp để cho Công ty Trường Ngân vay có 700 tỷ. Có ông ngân hàng ngó sang nhà máy và tài sản cố định của ông Trường Ngân và định giá vội vàng: Tài sản Trường Ngân còn 100 tỷ nữa, nhưng một ông ngân hàng khác xì một cái rõ to, 50 tỷ chắc còn không ai mua. Mặc kệ mấy ông ngân hàng tranh nhau mớ tiền còm, các chuyên gia tài chính bỏ về: Lại mất thêm vài trăm tỷ nữa rồi. Các ngân hàng có mà lên trời đòi. Hỡi ơi, đây không phải là nợ xấu mà là nợ biến, nợ mất biến.

Tội thì có, tù thì chịu, nhưng tiền thì không

Trong bối cảnh “sức khỏe” nhiều doanh nghiệp còn yếu, thậm chí không ít doanh nghiệp mất khả năng trả nợ, thì cũng là lúc bộc lộ rõ nhất những bất cập trong hoạt động tín dụng cho vay của ngân hàng. Đã có nhiều và sẽ còn nhiều. Vấn đề đau khổ trong chống tham nhũng và các vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh tế là án tù thì có, thậm chí sẽ nhiều nhưng tiền thì không thu hồi được. Hai câu hỏi nhức nhối là: Tại sao cho vay bừa bãi thế và tiền đi đâu? 

Ngay khi sự việc tranh chấp xảy ra tại kho hàng, ông Nguyễn Đăng Sơn - Giám đốc Cty TNHH Trường Ngân công khai thú nhận là doanh nghiệp của ông không còn khả năng trả nợ và đã bán bớt đi nhiều hàng hóa đã thế chấp. Đương nhiên ông biết rõ, ông sẽ phải chịu trách nhiệm pháp luật về hành vi đó. Nhưng để trả lời câu hỏi tiền đã đi đâu thì không cần ông trả lời, tất cả đều đã biết, với tình trạng kinh doanh thua lỗ đã vài năm, duy trì được đến hôm nay thì số tiền 700 tỷ, mà có thể còn hơn nữa vì các chủ nợ của ông chưa khai hết, cũng chưa chắc đã bù nổi số lỗ. 

Còn câu hỏi, tại sao ông vay được nhiều tiền thế? Câu trả lời cũng đã có: Tại cơ chế, tại trình độ của các nhân viên ngân hàng. 7 ngân hàng giành quyền định đoạt kho hàng hơn 3.000 tấn “cà phê” đã thế chấp. Nhưng khi kiểm tra, hàng trăm tấn chỉ là vỏ và tạp chất… Cùng lúc, các ngân hàng rơi vào 2 rủi ro: tranh chấp tài sản thế chấp và chất lượng tài sản thế chấp. Hay doanh nghiệp vay vốn cùng lúc có hai dấu hiệu lừa đảo: dùng cùng một nguồn hàng thế chấp tại nhiều ngân hàng, rút ruột hoặc làm giả hàng thế chấp. Những rủi ro trên không mới, hơn ai hết các cán bộ tín dụng nằm lòng, nhiều trường hợp đã phải trả giá đắt không chỉ về kinh tế mà cả về pháp lý. Nhưng vẫn khó tránh, bởi thực tế còn nhiều bất cập, nhất là khi doanh nghiệp vay vốn có mục đích xấu.

Câu chuyện Công ty TNHH Trường Ngân vỡ nợ tín dụng đang chỉ ra những lỗ hổng trong hoạt động cho vay thế chấp bằng hàng hóa của ngân hàng. Lỗ hổng này nằm ở khâu quản lý các rủi ro trong quá trình kiểm tra, giám sát cũng như nhận bảo đảm hàng hóa tránh rủi ro, thất thoát, trùng hàng… Lỗ hổng quan trọng nhất là lỗ hổng trong việc kiểm tra số lượng, chất lượng hàng định kỳ để bảo đảm rủi ro mất vốn, mất tài sản cho ngân hàng. Nhưng nếu doanh nghiệp không có nhiều tài sản là loại được ưa thích trong thế chấp là bất động sản thì thế chấp hàng hóa là một cách, ngân hàng không nhận thì không hỗ trợ được doanh nghiệp, không thúc đẩy được tín dụng, mà tín dụng là lợi nhuận là nguồn sống chính của ngân hàng. Trong khi đó các ngân hàng không có hệ thống kho chứa hàng hóa để kiểm soát số lượng và các giao dịch hàng hóa, nếu thuê kho, hoặc xây kho thì vấn đề chi phí sẽ là tường thành cản trở tín dụng. Thế là ngân hàng đành cầm lưỡi dao để hàng hóa tại kho doanh nghiệp và giám sát bằng… điện thoại hỏi thăm là chính. 

Còn tại sao một kho hàng có thể thế chấp vay vốn ở nhiều ngân hàng? Câu trả lời là bình thường thôi. Luật cho phép thế. Về nguyên tắc, một tài sản đảm bảo có thể thế chấp ở nhiều ngân hàng, miễn sao giá trị tài sản đủ đảm bảo cho tất cả khoản nợ. Trường hợp doanh nghiệp đi vay không trả được nợ, việc xử lý tài sản đảm bảo sẽ căn cứ vào hợp đồng thế chấp cầm cố để thực hiện từng bước theo quy định của hợp đồng. Nếu không giải quyết được, sẽ đưa ra tòa và việc xử lý căn cứ vào phán quyết của tòa án. Để xác định giá trị cà phê tại kho hàng của Công ty Trường Ngân đủ đảm bảo cho tất cả khoản nợ cần phải căn cứ vào hệ thống hệ giám sát giao dịch đảm bảo; hệ thống của các ngân hàng đã không  kết nối được chặt chẽ với nhau và đã  không tránh được rủi ro tài sản thế chấp cho các ngân hàng. Câu trả lời sẽ có của các nhân viên tín dụng sẽ là: Em có biết đâu “nó” thế chấp ở mấy ngân hàng! Nhưng có hay không lỗi hoặc vô tình hoặc cố ý của các nhân viên tín dụng? Dù với lý do gì, tiền đã mất… Dẫu đến bây giờ các ngân hàng đã nghĩ ra hàng trăm cách để hạn chế thiệt hại, hạn chế mất vốn, nhưng hậu quả của một thời tăng trưởng tín dụng nóng cũng không thể  khắc phục sớm được. Bây giờ dẫu “chuồng” có xây kiên cố thì “bò” cũng đã mất lâu rồi.

Góp phần tăng trưởng nợ xấu

Đúng nhất là tăng trưởng mất vốn. Nhưng cho đến nay chưa có số liệu về khoản mất vốn này nên chúng ta vẫn coi là nợ xấu. Cho đến cuối tháng 9-2013, tổng nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ngân hàng chiếm 4,62% tổng dư nợ, tăng 20,20% so với cuối năm 2012. Tuy nhiên, số nợ xấu này đã được giảm nhờ các phương pháp thuần túy sổ sách, bởi nếu không thực hiện Quyết định số 780/QĐ-NHNN cho phép cơ cấu lại nợ và không xử lý bằng dự phòng rủi ro trong năm 2012 và 9 tháng đầu năm 2013, thì nợ xấu toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 9-2013 lên tới 12,7%. Nghĩa là không thu được nợ, nhưng nợ xấu đã bay đi 8%. Và nếu các khách nợ không trả được thì… tòa án lại có việc. Tuy nhiên gần 5% tổng dư nợ là nợ xấu nội bảng thì vẫn là khối ung thư cần phải chữa trị. 

Qua chuyện của 7 ngân hàng với Cty Trường Ngân, chuyện của Công ty Phương Nam với mấy án tù… đến bây giờ những con số thất thoát không thu hồi được dần dần sẽ thành con số khổng lồ và các con số nợ xấu, nợ mất vốn càng trở nên huyền bí. Nỗi sợ ung thư di căn có vẻ đã gần?

Dẫu biết là rất khó khăn, nhưng hy vọng nếu tất cả lực lượng bảo vệ pháp luật vào cuộc, dẫu mất nhiều nhưng chắc chắn số tiền thu lại sau các vụ việc kiểu này sẽ lớn hơn con số lẻ thất thoát. Hy vọng thế.