Không phải là ruột thịt

ANTĐ - Không phải là ruột thịt, không phải là máu mủ của mình, nhưng trong xã hội của chúng ta có biết bao nhiêu người mẹ đã chăm sóc những đứa con bỏ rơi tại các trung tâm bảo trợ xã hội, có bao nhiêu người con đã phụng dưỡng cha mẹ người khác tại các trại dưỡng lão, có biết bao người bằng tình thương của mình đã góp phần giảm bớt gánh nặng cho xã hội. Việc làm của họ thật đáng trân trọng.

Làm sao mà bỏ chúng được

Men theo con đường thôn Miêu Nha, xã Tây Mỗ, Từ Liêm, chúng tôi tìm đến Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3, Sở LĐ-TB&XH. Trong căn phòng đặc biệt dành riêng cho trẻ sơ sinh, những đứa trẻ bị mẹ chúng bỏ rơi đang được các “mẹ” ở đây bón từng thìa sữa một cách nhẫn nại. Có đứa đang khóc ngằn ngặt vì chưa đến lượt ăn, đứa lại đang thiêm thiếp ngủ ngon lành trong vòng tay che chở của các bà, các chị - những người “mẹ nuôi” của chúng. Làm cái công việc thay người mẹ đẻ của những đứa nhỏ, rồi chăm sóc chúng từ khi mới lọt lòng thì không phải ai cũng đủ tình cảm và sự kiên trì để làm được..

“Hầu hết các mẹ ở đây đều đã có gia đình”, chị Nguyễn Thị Chi, một trong những người mẹ của trung tâm cho hay đó chính là một trong những tiêu chuẩn để vào đây làm công việc đầy tính nhân đạo này. Cũng bởi chỉ những người đã có gia đình, có con nhỏ mới hiểu chúng đang cần gì, và có kinh nghiệm hơn trong việc chăm sóc trẻ nhỏ, nhất là đối với những trẻ bị bỏ rơi trong hoàn cảnh bị thiếu tháng, suy dinh dưỡng. Khi khỏe mạnh đã đành, còn khi ốm khi đau, chúng quấy khóc quặt quẹo. Vậy mà những người mẹ ở đây vẫn bồng bế chăm bẵm cho các cháu, trong khi đứa con do mình dứt ruột đẻ ra thì phải đem gửi ông bà nội ngoại, phải ăn sữa ngoài. Thời gian làm việc tại trung tâm từ 7h sáng hôm trước đến 7h sáng ngày hôm sau, nên các chị không có nhiều thời gian dành cho con đẻ của mình. Song khi đã chọn công việc này, các chị đều xác định được điều đó. “Con mình dẫu sao còn có những người thân bên cạnh, còn những đứa trẻ này, mẹ chúng còn không nhận bây giờ mình lại bỏ bê chúng thì sao đành. Mới lại chăm sóc chúng từ khi còn đỏ hỏn đâm ra cũng gắn bó ” - đó là tâm sự của một bà mẹ và cũng là tâm sự chung của nhiều bà mẹ ở trung tâm này.

Khó hơn làm con dâu trưởng

Cũng trên địa bàn huyện Từ Liêm, tại xóm 3, xã Đông Ngọc, chúng tôi tới thăm Trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi Thiên Đức - một trong những trung tâm dưỡng lão tư nhân đầu tiên được thành lập ở Việt Nam. Có một điều đặc biệt, mang tiếng là Trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nhưng hầu hết nhân viên ở nơi đây chỉ trong độ tuổi trên dưới 30. Ông Nguyễn Tuấn Ngọc, Giám đốc trung tâm cho biết: Tất cả nhân viên  đều có bằng cấp chuyên môn về nghề y hẳn hoi, sở dĩ trung tâm chọn người trẻ cũng là vì muốn các cụ có được tình cảm như con cháu trong nhà”.

Dẫu biết cuộc sống đầy đủ hơn, con cháu trưởng thành, luôn lo lắng phụng dưỡng nhưng người già vẫn luôn cảm thấy cô đơn. Hàng trăm các cụ đã đến và chọn nơi đây đặt niềm tin và các y sĩ đáng tuổi con cháu mình để được hưởng sự chăm sóc trong những ngày tháng phía sườn dốc cuộc đời. Thực tế nhiều gia cảnh hiếm hoi, thương con vất vả công việc lại chăm sóc con cái, bản thân lại có nhiều bệnh tật nên các cụ đã chọn cách vào trung tâm để được các nhân viên có chuyên môn về y khoa chăm sóc. Trong khoảng sân tràn ngập ánh nắng, nhìn các y sĩ chăm sóc người già mà thấy ấm lòng.

Chị Trần Thị Hanh, y sĩ Đông y tại trung tâm chia sẻ: “Tôi tốt nghiệp trường Y học cổ truyền Nguyễn Bỉnh Khiêm là về đây công tác. Công việc tuy cực nhưng gắn bó với các cụ mãi bây giờ tình cảm như người nhà. Nhiều người hỏi, sao không tìm một công việc khác có thu nhập cao hơn, nhưng họ không hiểu, tình cảm nhiều như thế bỏ các cụ sao đành”. Công việc của chị Hanh là quản lý khu D, một khu dành cho những cụ già mắc chứng bệnh rối loạn hành vi. Chị Hanh kể: “Nếu bác sĩ tâm thần khổ một thì chúng tôi khổ mười. Phần lớn bệnh nhân ở khu này đều không có ý thức được hành động của mình. Tôi không nhớ nổi đã bao nhiêu lần bị bố mẹ - cách chúng tôi gọi các cụ - “tấn công” hết sức vô cớ. Nhưng các cụ đều là người bệnh, phải hiểu và thông cảm thì mới có thể làm việc được. Làm nhân viên nơi này khó hơn làm con dâu trưởng. Nhiều cụ cả đêm không ngủ, cứ lục đục tìm xoong chảo hì hục nấu cơm, hay có cụ cứ đêm đến là lại tưởng tượng ra việc đi bán bánh mỳ, nằm trong giường mà cứ luôn miệng “ai bánh mì nóng giòn đi”. Tất nhiên những việc đó chỉ là việc vặt, vất vả nhất là ngày nào cũng phải tắm rửa, dọn vệ sinh cho các cụ. Rồi cho ăn, cho uống, rồi khám bệnh, bấm huyệt, châm cứu. Nhiều người thân đến thăm các cụ cũng phải lắc đầu, tận tụy như thế chắc con đẻ cũng không làm được”.. 

Khi làm cô giáo của những học sinh đặc biệt

Chúng tôi đến thăm Trung tâm Bảo trợ trẻ em tàn tật Phúc Tuệ khi giờ học buổi chiều đã kết thúc. Nhìn cảnh những đứa trẻ thiếu khuyết về thể chất và trí tuệ ngô nghê chơi đùa thì chúng tôi đã có thể hiểu ngay được công việc của các cô giáo ở trung tâm này. Trung tâm Bảo trợ trẻ em tàn tật Phúc Tuệ thuộc Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Hà Nội chăm sóc, hỗ trợ, giáo dục dạy học văn hóa và dạy nghề cho các trẻ khuyết tật, trẻ em chậm phát triển, trẻ em mắc bệnh tự kỷ, di chứng sau khi ra đời…

Cô giáo Nguyễn Thị Hà chia sẻ, trẻ bị mắc các chứng bệnh này nếu không có sự can thiệp của hệ thống giáo dục đặc biệt thì chiều hướng sẽ ngày càng xấu… Có những cháu gặp khó khăn trong giao tiếp, có những cháu chưa có ngôn ngữ. Tác động dạy ngôn ngữ cho các cháu qua đồ vật, tình huống, nạp từ cho trẻ để trẻ có thể tự nói ra những từ đơn giản, dần dần từ có hai âm tiết, rồi thành câu qua tình huống cụ thể. Cô giáo dạy ngôn ngữ Hoàng Kim Oanh chia sẻ, chẳng có cô giáo nào ở đây chưa một lần bị học trò cắn hay bị những cái tát bất ngờ tối mặt… Nhưng chúng tôi chịu quen rồi, vì học sinh của chúng tôi là những học sinh đặc biệt - những đứa trẻ bị bệnh và đáng thương. Mình phải đặt mình trong tâm trạng của mẹ các cháu thì mới có thể làm được công việc này. Nhìn bề ngoài những đứa trẻ mắc bệnh tự kỷ hoàn toàn bình thường như những trẻ em khác, song chỉ tác động nhỏ là có thể các em lại la hét, cắn xé. Nhiều lúc khó khăn lắm, có trường hợp dạy tới hàng tháng trời mà các em vẫn không tiến bộ, thậm chí tên cô giáo các em cũng không nhớ nổi, nhưng rồi nghĩ tới tương lai của những mầm non bất hạnh nên vẫn phải gắng sức dạy. Có những cháu đã hòa nhập vào cuộc sống, đi học tại các trường bình thường là món quà quá lớn để chúng tôi mãn nguyện và lưu giữ những kỷ niệm quý giá nhất trong cuộc đời!”…