Đại tá Đào Lê Bình, Tổng biên tập Báo An ninh Thủ đô giai đoạn 1995-2015:

"Không nói là khác lạ hay dẫn đầu, tôi muốn tờ báo gần dân nhất"

ANTD.VN - Thấm thoát gần 1 năm Đại tá Đào Lê Bình rời cương vị thuyền trưởng Báo An ninh Thủ đô, nhưng khi kể về những kỷ niệm của mình với tờ báo, với tòa soạn, ông lại say sưa như thể mới ngày hôm qua.

Đại tá Đào Lê Bình nói, ông không thích dùng chữ “lãnh đạo”, nhất là khi nói về vị trí Tổng Biên tập của một tờ báo mà ông từng đảm nhiệm trong 2 thập niên. Có dạo tấm biển gắn trên cửa phòng làm việc của ông bị hỏng, ông chỉ phẩy tay: “Để đấy, sửa làm gì. Ai biết thì tự đến”. Có lần ở hội trường CATP, ông cầm micro đi một vòng giới thiệu gần 100 văn nghệ sỹ, khiến mọi người cười lăn. Ai cũng bảo: “Công an mà tếu táo, duyên thế”...

“Vào nghề bằng một bài báo giản dị như thế…”

- PV: Thưa ông, ông đã có chặng đường hơn 20 năm là Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô. Đây là một kỷ lục trong làng báo không dễ lặp lại. Vì chẳng mấy người có đủ khả năng để đảm đương một công việc như vậy trong suốt từng ấy năm. Nhưng người ngoài nhìn vào dễ cho là “tham quyền cố vị”. Còn ông, ông nghĩ sao? 

- Ông Đào Lê Bình, nguyên Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô: Ở lâu năm một chỗ không phải kỷ lục tốt. Nhưng tôi lại rất vui vì hình như trời sinh ra để làm nghề này. Tôi đã làm việc dưới 5 đời Giám đốc CATP. Qua những thời kỳ ấy, đồng chí Giám đốc nào cũng nhận thấy An ninh Thủ đô là tờ báo cần thiết của CATP Hà Nội. Tôi cũng rất cảm động khi có một đồng chí Giám đốc nói với tôi rằng: “Để Bình làm ở đây thì tốt”. Giản dị như thế thôi. Tôi cũng nghĩ thế này, cái tạng tôi kiểu gì cũng dính dáng một chút chữ nghĩa. Nếu không làm nghề này, tôi cũng không biết mình sẽ làm gì khác. 

Nghĩ lại, tôi thấy nếu ở một cơ quan nào đó mà đến 20 năm làm chỉ huy mà vẫn có người chấp nhận thì có khi cũng là một hiện tượng đấy chứ (Cười). Thực ra tôi cũng từng nghĩ, ngồi lâu quá có thể các anh em trẻ không phát triển được chăng? Nhưng rồi thấm thoát đã 20 năm. Tôi mừng vì Báo An ninh Thủ đô có một diện mạo như ngày hôm nay và đội ngũ do tôi cùng Ban Biên tập rèn luyện, chuẩn bị đã tiếp nối thật đẹp và trọn vẹn. 

"Không nói là khác lạ hay dẫn đầu, tôi muốn tờ báo gần dân nhất" ảnh 2Đại tá Đào Lê Bình trong một chuyến công tác đến với đồng bào vùng cao năm 2008

- Hơn 20 năm ấy hẳn có lúc thăng trầm, lúc vui buồn, nhất là một nghề nhiều giông bão như nghề báo. Điều gì làm ông nhớ nhất? 

- Tôi rất hãnh diện vì khoảng thời gian tôi ở đây, điều quý nhất chính là anh em thương nhau và hiểu nhau. Tôi không muốn dùng chữ “đoàn kết”. Từ lúc tôi được nhận nhiệm vụ, Báo An ninh Thủ đô mới là một tờ báo tuần 1 kỳ 8 trang. Tôi cùng đồng chí Vũ Kim Thành và đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, sau này đề bạt tiếp đồng chí An Văn Huân, được cấp trên tin tưởng giao cho phụ trách tờ báo này, mừng nhất là anh em đồng tâm “khởi nghiệp”. Và 8 năm nay, An ninh Thủ đô đã là một tờ báo ra hàng ngày, 20 trang, gồm cả báo điện tử, chương trình truyền hình. Ái chà, rõ là cơ quan truyền thông đa phương tiện còn gì!

Kỷ niệm tôi nhớ nhất là bài báo đầu tiên của tôi trên An ninh Thủ đô. Tôi vốn học trường Công an. Ngày 15-8-1976, tờ An ninh Thủ đô ra số đầu tiên. Lúc đó tôi đang công tác ở Công an huyện Thanh Trì, tôi viết bài về một vụ trộm xảy ra ở nhà anh Toan, cán bộ Nhà máy pin Văn Điển.

Tôi còn nhớ bài đó tên là “Ai cậy cửa nhà anh Toan?”. Mà có gì đâu, mất có một cái hòm gỗ, trong đó có mấy bộ quần áo công nhân, mấy cái bánh lương khô. Nhưng thấy tôi viết tròn vành rõ chữ, nên các anh ấy lấy tôi về, từ cuối năm 1976. Thật là biết ơn các anh đi trước. Tôi đã bước vào nghề báo bằng một bài báo giản dị như thế. 

"Không nói là khác lạ hay dẫn đầu, tôi muốn tờ báo gần dân nhất" ảnh 3Đón tiếp bạn bè quốc tế tại buổi gặp mặt cộng tác viên thường niên của Báo ANTĐ

“Làm báo không thể trung bình chủ nghĩa”

- Quãng thời gian đầu tiên hẳn rất khó khăn. Ông và những đồng chí trong Ban Biên tập đã định hướng cho Báo An ninh Thủ đô như thế nào?

- Khi tôi cùng các đồng chí trong Ban Biên tập được phân công phụ trách Báo An ninh Thủ đô đầu năm 1995, số lượng các báo chí ở Hà Nội lúc đó vẫn còn ít lắm. Chúng tôi bảo với nhau: “Đây là thời cơ đưa Báo An ninh Thủ đô vượt hẳn lên”, vì trước hết đây là nhiệm vụ chính trị của ngành giao cho.

Chuyện này không phải đơn giản vì chúng tôi là công an chuyển sang làm báo. Mà thực tế, người dân mình có chút gì đấy gường gượng, “kênh” với công an. Thế nên tôi nghĩ Báo An ninh Thủ đô phải đi theo hướng, thứ nhất, ngoài là một tờ báo chuyên ngành sâu sắc, phải mở rộng tính xã hội.

An ninh là gốc của rất nhiều việc: an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh xã hội… Mình phải là người bạn, người thân gần gũi nhất với nhân dân. Báo An ninh Thủ đô không chỉ phản ánh những mặt công tác của lực lượng công an, mà còn mở rộng ra các vấn đề kinh tế - xã hội, văn hóa - thể thao, giải đáp pháp luật… 

Tôi rất khó chịu cái gì mang tính trung bình chủ nghĩa. Điều kiện báo chí lúc đó là như nhau, nếu ai nghĩ ra ý tưởng và thực hiện được ý tưởng thì người đó thắng lợi. Tôi không nói là khác lạ hay dẫn đầu, tôi có khát vọng đưa An ninh Thủ đô trở thành tờ báo gần dân nhất, được bạn đọc yêu quý và chiếm lĩnh được lòng tin cũng như thị trường. Hơn thế nữa, phải nâng cao chất trí tuệ, văn hóa của Hà Nội, vì đây là tờ báo của Thủ đô. 

- Ở Báo An ninh Thủ đô, có khẩu hiệu từ khi ông làm Tổng Biên tập mà mọi người luôn nhớ, đó là “Người Hà Nội sống chân thực, biết hy sinh, khiêm nhường và kiêu hãnh”. Tại sao lại có khẩu hiệu này? 

- Thực ra, đây là một cách đặt vấn đề của đồng chí Phạm Chuyên, nguyên Giám đốc CATP Hà Nội: “Người Hà Nội sống chân thực, biết hy sinh, khiêm nhường và kiêu hãnh”. Đồng chí Phạm Chuyên là vị tướng Công an nhưng là người nho nhã và hiểu sự đời.

Tôi phần nào hiểu được vì sao anh Chuyên nói câu ấy. Hoạt động luật pháp phải trên nền tảng lòng dân. Làm đúng pháp luật chưa đủ mà còn phải được sự đồng thuận của người dân. Muốn như vậy thì người chiến sỹ phải có đủ những tố chất như trên. 

Thứ nhất là chân thực, có sao nói vậy, không lắt léo, xiêu vẹo, biết ủng hộ cái tốt, phản đối cái chưa tốt. Biết hy sinh là biết mình nên ở đâu, đúng vị trí của mình. Tôi nghĩ thế này, làm tốt trên cương vị của mình ở một vị trí đó là tốt nhất, còn ở vị trí cao hơn mà làm không được thì… chán lắm.

Còn khiêm nhường là một phẩm hạnh. Vì thời nào cũng thế, nếu không có sự khiêm nhường, giản dị, không bao dung, tha thứ thì con người ta ai cũng coi mình là quan trọng nhất. Như vậy xã hội không thể đi đến đâu cả. Biết hy sinh sẽ được nhiều hơn, tạo được sự hòa thuận, một không khí trong trẻo mà ai cũng được thoải mái.

Còn kiêu hãnh khác với kiêu ngạo, tự phụ. Kiêu hãnh là thành quả của sự cống hiến hết mình, dù kết quả như thế nào thì cũng được quyền ngẩng cao đầu. 

- Ông hay nói: “Nhiều khi tôi đi công tác xa thì ở nhà số lượng phát hành báo lại tăng lên”. Câu này bao nhiêu phần trăm là sự thật?

- Câu này vừa đúng vừa đùa vì bây giờ Báo An ninh Thủ đô là nhật báo, có nền nếp rồi thì ngày nào, tháng nào cũng thế thôi. Chuyện số lượng phát hành trồi sụt là chuyện bình thường. Đơn giản, nếu có sự việc nóng thì báo bán chạy hơn. Câu này tôi nói để khích lệ, tôn trọng anh em. Để anh em biết rằng, không có Tổng Biên tập ở nhà thì mọi người vẫn làm tốt, thậm chí còn làm tốt hơn, mà thật thế đấy. 

"Không nói là khác lạ hay dẫn đầu, tôi muốn tờ báo gần dân nhất" ảnh 5Đại tá Đào Lê Bình đón tiếp văn nghệ sĩ, trí thức đến với Công an Hà Nội và Báo ANTĐ 

“Có An ninh Thủ đô mới có tôi”

- Nghề báo là nghề nguy hiểm và mệt mỏi. Đã vậy, còn là một chiến sỹ công an làm báo thì áp lực và trọng trách đặt lên vai còn lớn hơn. Vậy đã bao giờ vì những áp lực, mệt mỏi ấy mà ông nghĩ đến chuyện từ bỏ chưa?

- Phải nói thật khi là một chiến sỹ công an chuyển sang làm báo, tôi rất phấn khởi. Cứ viết là viết thôi. Còn khi làm một chỉ huy rồi thì tôi buộc phải có suy nghĩ khác. Làm báo là một nghề nguy hiểm thực sự.

Nguy hiểm không phải là lao vào “hòn tên mũi đạn”, mà nguy hiểm đó là bảo vệ cho chính nghĩa, cho sự đúng đắn của một tờ báo. Nhưng có nguy hiểm thì mới cần bản lĩnh, sự dấn thân và sự hy sinh. Sợ nhất không phải mình đúng sai với quy định, sợ nhất mình không dũng cảm chỉ ra những sai trái.

Áp lực đặt lên vai Tổng Biên tập là cực kỳ lớn. Ngày xưa, tôi làm Tổng Biên tập, một ngày ít nhất có 20-30 cuộc điện thoại gọi đến. Có ngày đến 60-70 cuộc. Đến nỗi tôi nhìn thấy điện thoại đổ chuông là sợ lắm. Ti tỉ thứ chuyện, người nhờ vả cái này, cái kia. Rồi bạn đọc gọi lên nói chỗ này chưa chuẩn, chỗ kia sai, những cuộc điện thoại ấy tôi rất biết ơn. Tôi chỉ sợ nhất là những cuộc điện thoại can thiệp. 

- Nếu để nói về tình cảm của ông với Báo An ninh Thủ đô, ông sẽ nói gì?

- Đối với tôi, tình yêu với An ninh Thủ đô lớn lắm. Nó lớn vô cùng vì có An ninh Thủ đô mới có tôi ngày hôm nay. 

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện. Chúc ông thật nhiều sức khỏe và niềm vui trong cuộc sống!