Không nhất trí tổ chức Đoàn Hội thẩm thành một nhánh quyền lực mới

ANTĐ -Sáng nay, 13-6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua về mặt nguyên tắc Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Hội thẩm nhân dân, trong đó nhấn mạnh việc lập Đoàn Hội thẩm không được ảnh hưởng đến chức năng, quyền hạn của các cơ quan đã được luật định.

Trước đó, trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Hội thẩm, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, Đoàn Hội thẩm là hình thức tổ chức tự quản của các Hội thẩm”, không phải là cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, không phải là Hội theo quy định của pháp luật về Hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Qua thảo luận, có ý kiến đề nghị không quy định quá nhiều nhiệm vụ, quyền hạn cho Đoàn Hội thẩm. “Uỷ ban Tư pháp thấy rằng, Hội thẩm có nhiệm vụ cùng Thẩm phán tiến hành xét xử các vụ án theo quy định của pháp luật. Khi thực hiện nhiệm vụ, Hội thẩm cũng phải chịu nhiều áp lực, nhất là trong việc đảm bảo tính độc lập trong xét xử. Vì vậy, quy định Đoàn Hội thẩm có nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Hội thẩm là biện pháp để bảo vệ Hội thẩm” – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, không nên hành chính hóa tất cả các tổ chức hoạt động này. Riêng về nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn Hội thẩm nhân dân, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ quan điểm không đồng tình với dự thảo cho phép Đoàn hội thẩm nhân dân được quyền tham gia ý kiến với Tòa án nhân dân cùng cấp về việc nâng cao chất lượng công tác xét xử của Hội thẩm.

Đồng quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phân tích, ở nước ngoài hình thức tổ chức này được gọi là bồi thẩm đoàn còn chúng ta gọi là đoàn hội thẩm, cho thấy “tính nhân dân trong xét xử cũng có mức độ thôi, không đầy đủ được”.

Nhấn mạnh đoàn hội thẩm là tổ chức tự quản, hoạt động theo phương thức công khai minh bạch, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: “Nhiệm vụ quyền hạn của đoàn hội thẩm không được vượt quá, ảnh hưởng tới quyền lực của tòa án. Đặc biệt, chúng ta không phải ra quy chế này là để tạo ra một nhánh quyền lực mới trong xét xử”.

Về kinh phí chi cho đoàn hội thẩm, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, tòa án phải có trách nhiệm trong việc chi cho Hội thẩm vì trong ngân sách nhà nước không có mục riêng để chi cho cơ chế này.