“Không nhất thiết long trọng, có thể tiếp xúc cử tri ngay tại… chợ”

ANTĐ - Trao đổi với phóng viên ANTĐ bên lề hội nghị tổng kết sáng 26-12, bà Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng, ĐBQH TP Hà Nội khóa 13 cho rằng, ĐBQH không nhất thiết phải tiếp xúc cử tri trong không khí long trọng mà có thể tiếp xúc ngay tại… chợ.

- PV: Việc tiếp xúc cử tri của các ĐBQH lâu nay luôn được tổ chức theo kế hoạch, tại các địa điểm được Thành phố hoặc chính quyền địa phương bố trí. Theo bà, việc đổi mới nội dung này của Nghị quyết 525 có khả thi?

- Bà Bùi Thị An: Tôi nghĩ việc đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri từ hình thức đến nội dung mà Nghị nguyết 525 chỉ ra là hết sức cần thiết để giúp cho công tác này thực sự gần dân hơn, thiết thực hơn. Chẳng hạn từ trước đến nay, các ĐBQH chúng tôi muốn tổ chức tiếp xúc cử tri cũng rất khó, phải thông qua rất nhiều cấp, đến khi thu xếp được thì chưa chắc các cử tri được mời đến đã đủ thành phần, đại diện cho đầy đủ các tầng lớp nhân dân. Cũng vì thế các ý kiến, nguyện vọng của cử tri được tổng hợp nhiều khi chưa phản ánh hết thực tế tại địa phương đó, nhất là tại các vùng địa bàn “nóng”, đang diễn ra nhiều vấn đề nhạy cảm, bức xúc dân sinh, chẳng hạn về đất đai, môi trường…

Tôi cho rằng, việc tiếp xúc cử tri không nhất thiết cứ phải tổ chức các hội nghị long trọng, cờ hoa, mà điều quan trọng là hiệu quả, là những vấn đề mà các ĐBQH sẽ tiếp thu được khi giao tiếp với nhân dân. Các ĐBQH có thể nói chuyện với cử tri ngay trong các cuộc họp, ngay tại cơ quan, thậm chí ở trên tàu, ngoài chợ… miễn là ĐBQH có thể lắng nghe được những ý kiến thật nhất, chính đáng nhất của dân, trên cơ sở tôn trọng ý kiến của dân. Điều này là hoàn toàn khả thi nếu các ĐBQH có ý thức, trách nhiệm và kỹ năng cao khi tiếp xúc cử tri để có thể tổng hợp được các ý kiến rành mạch nhất.

- Với quy định này, vai trò của ĐBQH sẽ được đề cao hơn. Bà có nghĩ điều đó sẽ tạo ra áp lực lớn hơn, nặng nề hơn cho các ĐBQH?

- Đã là một ĐBQH được nhân dân bầu ra, chúng tôi không quan tâm đến sức ép đè nặng hơn mà chấp nhận sức ép, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ nhân dân giao phó. Tất nhiên với khối lượng công việc như vậy, các ĐBQH sẽ phải dành thời gian thỏa đáng hơn mới hoàn thành được vai trò của mình, không chỉ phản ánh nguyện vọng, ý kiến của nhân dân tới các cấp có thẩm quyền mà phải phối hợp rất chặt chẽ với các cơ quan chức năng, đồng thời giám sát việc thực hiện của cơ quan chức năng với các kiến nghị của cử tri.

- PV: Cảm ơn bà!

Tin cùng chuyên mục