"Không nhận hàng, trả về Tòa án", chiêu lừa đảo "khuyến mại" lời đe dọa cần cảnh giác

ANTD.VN - Sau khi cô gái từ chối cung cấp thông tin cá nhân để được nhận “hàng”, người tự xưng là nhân viên bưu điện liền đáp lại với lời lẽ đe dọa. Nếu người không “tỉnh đòn” thì rất dễ rơi vào bẫy của loại tội phạm lừa đảo này.

Thời gian gần đây, tội phạm lừa đảo qua điện thoại đang có những diễn biến phức tạp khó lường với những chiêu thức tinh vi, nhằm đối phó với cơ quan điều tra. Mới đây, chúng lại “giở” chiêu trò mới, tìm cách moi thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ của ngân hàng.

Chia sẻ của chị N.L (27 tuổi, ở Hà Nội). Đầu tháng 10 vừa qua, chị L có nhận được một cuộc điện thoại từ số máy +8842438252XXX với nội dung thông báo tự động “Đơn hàng của quý khách đã thực hiện không thành công, đây là lần cuối chúng tôi thông báo về việc này. Số điện thoại này là của bưu điện thành phố, nếu quý khách thắc mắc vui lòng bấm phím 0 để biết thêm chi tiết”.

Dù không biết là hàng gì nhưng vì tò mò nên chị N.L vẫn làm theo hướng dẫn thì được gặp người tự xưng là “tư vấn viên”. Người này yêu cầu chị L cung cấp số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân để giao hàng, tuy nhiên, chị L không đồng ý vì cho rằng đó là thông tin cá nhân, không thể dễ dàng cho người khác biết, đồng thời muốn biết hàng được gửi là hàng gì, và tên người gửi là ai nhưng “nhân viên tư vấn” từ chối cung cấp.

Sau đó, chị L cho rằng gói hàng này không liên quan đến mình nên trả lời không muốn nhận nữa thì bị “tư vấn viên” đe dọa: “Vâng! Đây là quyền lợi của quý khách. Nếu quý khách không muốn nhận thì hàng sẽ được chuyển trả về Toà án nhân dân TP Hà Nội ạ!”.

Nhờ tỉnh táo nên cô gái nhanh chóng thoát được bẫy lừa của tội phạm (Ảnh minh họa)

Theo như chị N.L cho biết, bản thân thường xuyên đọc báo nên biết tội phạm lừa đảo rất tinh vi. Qua cách trao đổi của người tự xưng là “tư vấn viên”, chị L cho rằng “không có một bưu điện nào lại đe dọa khách hàng như vậy”. Cho nên, chị này đã không quan tâm và cảnh báo bạn bè, người thân trên trang cá nhân của mình.

Trao đổi với PV ANTĐ, đại diện Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, CATP Hà Nội, cho biết: Hiện nay, người dân đã dần cảnh giác hơn với chiêu trò của tội phạm lừa đảo, khi những thủ đoạn của chúng được công an cung cấp thông qua báo chí. Do vậy, chúng sẽ tìm cách “moi” thông tin cá nhân của bị hại, sau đó sẽ gọi điện ngược lại, tự xưng là cơ quan điều tra. Khi thấy “cơ quan điều tra” đọc đúng số CMND/CCCD thì sẽ dễ dàng tin ngay, từ đó rơi vào bẫy lừa đảo của chúng.

Cũng theo cơ quan công an, nạn nhân của những chiêu trò này chủ yếu là người lớn tuổi, ít tiếp xúc với thông tin cảnh báo trên các phương tiện truyền thông đại chúng và dễ… dọa. Chính vì vậy, các thành viên trong gia đình cần phải có sự trao đổi qua lại với nhau, để không rơi vào bẫy của tội phạm. Và đặc biệt, người dân nếu không phải việc cần thiết, không được để lộ lọt thông tin cá nhân ra ngoài.