Không nên xuất khẩu nông- thủy sản theo hình thức “trao đổi cư dân” với Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, việc xuất khẩu nông- thủy sản qua hình thức “trao đổi cư dân biên giới” với Trung Quốc phụ thuộc hoàn toàn vào phía địa phương của nước này. Do đó, rủi ro của hình thức xuất khẩu này rất cao.
Hoạt động xuất nhập khẩu qua "trao đổi cư dân" gặp nhiều rủi ro

Hoạt động xuất nhập khẩu qua "trao đổi cư dân" gặp nhiều rủi ro

Việt Nam có đường biên giới với Trung Quốc dài nhất nên hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam với nước này diễn ra sôi động với nhiều hình thức. Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Hoa Kỳ. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong các nước ASEAN.

Bộ Công Thương cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản, thủy sản sang Trung Quốc 7 tháng đầu năm 2021 đạt 4,34 tỷ USD, tăng 25,83% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó 7/8 mặt hàng chủ lực đều có mức tăng trưởng dương 2 con số.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của dịch bệnh Covid-19 và các biện pháp phòng chống dịch bệnh ở cả 2 bên biên giới Việt - Trung đã làm bộc lộ những bất cập của xuất khẩu nông thủy sản theo hình thức "trao đổi cư dân".

Nói rõ về sự bất cập này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho hay, Trung Quốc duy trì chế độ ưu đãi cho trao đổi hàng hóa giữa cư dân 2 bên biên giới, với hạn mức được miễn thuế là 8000 NDT/người/ngày. Vì vậy, từ nhiều năm nay, tại khu vực biên giới Việt - Trung đã tự phát hình thành việc gom tiêu chuẩn của cư dân để buôn bán lớn tại các cặp chợ.

Hàng hóa trao đổi theo hình thức này thường là theo thỏa thuận miệng, không có hợp đồng với các điều khoản chặt chẽ về quy cách hàng hóa, điều kiện giao hàng... và chủ yếu xuất khẩu qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới để vào các chợ đường biên.

“Do là buôn bán tại chợ nên việc quản lý chợ hoàn toàn tùy thuộc vào chính quyền địa phương của Trung Quốc, không thể can thiệp theo hiệp định quốc tế hay thông lệ quốc tế. Chợ có thể đóng, có thể mở, lúc cho nhập hàng ban ngày, lúc cho nhập hàng ban đêm dẫn đến bị động và rủi ro lớn cho các loại nông thủy sản xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân”- ông Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.

Theo Bộ Công Thương, các cửa khẩu quốc tế tại Cao Bằng, Hà Giang rất thông thoáng nhưng doanh nghiệp không đi. Cửa khẩu đường sắt tại Lạng Sơn, Lào Cai cũng rất thông thoáng, thậm chí xuất khẩu đường biển cũng rất thông thoáng, chi phí chỉ bằng 1/3 đường bộ những cũng không ai chọn. Tất cả tập trung vào cửa Tân Thanh, Cốc Nam, gây ùn tắc, sau đó đề nghị "tháo gỡ".

Vì vậy mà nhiều năm nay, Bộ Công Thương đã kêu gọi các doanh nghiệp thay đổi, chuyển nhanh và chuyển mạnh sang xuất khẩu chính quy, theo hợp đồng với các điều khoản rõ ràng. Tuy nhiên, sự chuyển biến vẫn rất chậm.

Giữa tháng 8-2021, phía Trung Quốc đã tạm dừng hoạt động thông quan hàng hóa qua cặp cửa khẩu Tân Thanh- Pò Chài. Trong khi đó, tình trạng nông sản như: thanh long, dưa hấu... được mùa mất giá, phải đổ bỏ ở khu vực biên giới do không xuất khẩu được cũng diễn ra nhiều lần.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết thêm, dù phải đối diện với những tác động tiêu cực của dịch bệnh và các biện pháp giãn cách xã hội song xuất khẩu nông- thủy sản của nước ta vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng rất tốt sau 7 tháng (tăng tới 15,2%, đạt kim ngạch gần 16 tỷ USD).

Cụ thể, thị trường xuất khẩu trọng điểm đứng đầu vẫn là khu vực châu Á với 3 thị trường tiêu thụ lớn nhất là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc (chiếm 56,7% thị phần) với tổng kim ngạch đạt 8,9 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ.

Trong đó, thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc kim ngạch lần lượt đạt 4,34 tỷ USD, 1,19 tỷ USD và 718 triệu USD; tăng lần lượt 25,83%, 8,26%, và 11,36% so với cùng kỳ năm 2020. Thị trường ASEAN có kim ngạch đạt 1,63 tỷ USD, giảm 6,89% so với cùng kỳ và chiếm 10,3% thị phần.

Khó khăn trong hoạt động xuất khẩu thực sự chỉ xuất hiện vào tháng 8, khi nhiều tỉnh thành áp dụng các biện pháp giãn cách chặt chẽ hơn khiến ách tắc phát sinh tại tất cả các khâu của chuỗi cung ứng nông thủy sản, từ thu hoạch, chế biến tới vận chuyển, lưu thông và xuất khẩu.

“Tất cả cho thấy, không phải không có thị trường xuất khẩu, thâm chí thị trường rất lớnkhi nhu cầu tiêu dùng đang phục hồi tại các trung tâm tiêu dùng lớn. Vấn đề là chúng ta đang tự gây phức tạp cho chính mình”- ông Trần Quốc Khánh nói.

Vì vậy, Bộ Công Thương kiến nghị tháo gỡ ngay những khó khăn không đáng có cho sản xuất, lưu thông và tiêu thụ nông thủy sản, nhất là ách tắc trong khâu lưu thông.