Không nên nhầm lẫn quyền con người với quyền công dân

ANTĐ - Có thể nói Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này tiếp  tục khẳng định vị trí lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Điều 4 là tất yếu, gắn liền với lịch sử truyền thống xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tổ chức chính trị xã hội, các tầng lớp nhân dân. Đáng chú ý trong chương II về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân có nhiều nội dung mới. Chúng tôi có một số ý kiến góp ý như sau: 

Chương II của bản dự thảo cần  chia làm 2 chương là quyền con người và quyền công dân, vì các điều, khoản của chương này lẫn lộn, đan xen gây nhầm lẫn giữa quyền con người và quyền công dân.  Đề nghị gộp lại Điều 21 quy định về quyền sống và Điều 22 quy định quyền bất khả xâm phạm về thân thể, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và quyền được hiến xác, hiến bộ phận cơ thể thành một điều vì các quy định tại Điều 22 của dự thảo chỉ là sự cụ thể hóa, mở rộng của nội dung Điều 21. Mặt khác, việc gộp 2 điều này với nhau sẽ làm cho bản Hiến pháp ngắn gọn hơn, lôgic hơn theo đúng yêu cầu của đạo luật gốc. Chúng tôi đề nghị bổ sung cụm từ “sống theo Hiến pháp và pháp luật” vào nội dung điều này. Nếu giữ nguyên Điều 21: “Mọi người có quyền sống” thì nên bổ sung thêm vào thành “Mọi người có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” để phù hợp với ý nguyện của Bác Hồ thể hiện trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945. Chúng tôi đề nghị xem xét sửa đổi lại Khoản 1, Điều 46: “Công dân có quyền được sống trong môi trường trong lành” vì quy định như vậy có nghĩa Nhà nước phải đảm bảo cho công dân được  sống trong môi trường trong lành. Tuy nhiên, trên thực tế với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam cũng như tất cả các nước phát triển có công nghệ hiện đại tiên tiến khác trên thế giới cũng chưa thể khẳng định rằng đã đảm bảo được quyền này cho con người, kể cả trong nhiều năm tới. Chính vì vậy, nội dung này không hợp lý có thể bỏ hoặc cần sửa lại là “Mọi người có trách nhiệm bảo vệ môi trường”…