Không nên coi trường ngoài công lập như “con nuôi”

ANTĐ - Sau khi Báo ANTĐ đăng bài phản ánh về tình trạng khó khăn của các trường ngoài công lập (NCL) trước mùa tuyển sinh, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về một số nội dung liên quan.

- PV: Theo ông, việc các trường NCL ngày càng “vắng như chùa bà Đanh” có phải do lỗi từ chính họ?

- Ông Lê Như Tiến: Điều này đúng nhưng chưa đủ. Có thể nói nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do đội ngũ cán bộ và giảng viên tại các trường NCL còn thiếu và yếu với tỷ lệ giảng viên cơ hữu thấp, chủ yếu là giảng viên thỉnh giảng. Nhà quản lý của trường NCL (Hội đồng quản trị - nhà đầu tư) thường ít có kinh nghiệm thực tiễn còn Hiệu trưởng (người có chuyên môn) lại hoạt động dưới sự chỉ đạo của HĐQT. Bên cạnh đó, yếu tố đầu vào của phần lớn trường NCL thấp, có trường lại coi việc thu học phí, vấn đề lợi nhuận là tối thượng chứ không phải chất lượng dạy và học đã gây mất lòng tin của phụ huynh và học sinh. Ngoài ra, cơ sở vật chất các trường NCL hầu hết chưa đảm bảo, có trường diện tích rất nhỏ, chưa đến 1ha nhưng có đến hàng vạn sinh viên. Không chỉ có vậy, có trường còn sử dụng giảng đường “đa năng”, vừa là nơi dạy lý thuyết, vừa tổ chức thực hành, thậm chí có phòng học còn được tận dụng  tối đa với nhiều môn học khác nhau. Trong khi đó, phòng học lại không được chuẩn hóa, điều kiện, phương tiện thí nghiệm, thực hành còn thiếu... 

- Cách nhìn nhận chưa đúng đắn của phụ huynh, học sinh và xã hội đối với  trường NCL có phải là lý do, thưa ông?

- Phải thừa nhận rằng hiện vẫn còn không ít người có quan điểm “chuột chạy cùng sào mới vào dân lập”. Điều này xuất phát từ thực tế, chỉ những em sinh viên không đủ điều kiện vào trường công lập mới chấp nhận vào trường NCL. Cũng vì lý do đó, có địa phương đã từ chối, không tuyển dụng người tốt nghiệp trường NCL vào làm việc. Nguyên nhân là do không ít trường NCL đã có sự buông lỏng quản lý về chất lượng. Còn xét về góc độ quản lý, các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương và địa phương dường như chỉ tập trung vào việc kiểm tra, giám sát các trường công lập là chính, còn đối với các trường NCL, lại có phần lỏng lẻo và không thường xuyên. 

- Để “cứu” các trường NCL, có ý kiến cho rằng nên sáp nhập những trường có các ngành nghề đào tạo tương tự với nhau. Ông nghĩ sao về điều này?

- Theo tôi, trước khi triển khai bất kỳ biện pháp nào, cơ quan quản lý cần cân nhắc thật kỹ, bởi không phải cứ nhiều trường yếu cộng lại là có thể thành trường mạnh. Điều này chỉ có ý nghĩa khi các trường này đang thiếu và yếu về không gian, mặt bằng và các điều kiện về cơ sở vật chất. Còn cái gốc của vấn đề vẫn là chất lượng đào tạo. Để tồn tại, bản thân các trường NCL trước hết phải vươn lên, tự khẳng định mình trước xã hội, làm thay đổi nhận thức của phụ huynh và học sinh về hệ thống các trường này. Để làm được điều đó, các trường NCL cần thiết lập mối quan hệ với các trường công lập có chất lượng đào tạo tốt nhằm tăng cường liên kết giao lưu, tạo điều kiện, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau về các ngành đào tạo tương ứng. Từ đó có thể thường xuyên chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm. 

Nâng cao chất lượng và đầu tư cơ sở hạ tầng mới giúp các trường đại học dân lập đảm bảo đầu vào

(Trong ảnh: Giờ học vi tính của sinh viên trường Đại học dân lập Quản lý và Kinh doanh Hà Nội)

- Theo ông, để tạo điều kiện cho các trường NCL có điều kiện phát triển, cơ quan quản lý về giáo dục cần phải làm gì?

- Trước tiên, các cơ quan này cần thay đổi nhận thức, không nên coi các trường NCL như một thứ phái sinh hoặc “con nuôi”. Bởi các trường NCL nằm trong hệ thống giáo dục, là hướng đào tạo xã hội hóa trong giáo dục, họ cũng tham gia trực tiếp vào việc đào tạo nguồn lao động có chất lượng cho xã hội. Do vậy, yếu tố bình đẳng giữa các trường công lập và NCL là rất quan trọng, trong đó có sự bình đẳng trong công tác tuyển sinh, trong việc giải quyết đầu ra cho sinh viên. Ngoài ra, để không tạo áp lực cho các trường ĐH, CĐ trong mỗi mùa tuyển sinh, chúng ta cần phải điều chỉnh tỷ lệ sinh viên trên vạn dân đồng thời phân luồng sớm học sinh cuối cấp tùy theo khả năng sẽ vào các trường phù hợp, trong đó có các trường dạy nghề. Chính số lượng học sinh đổ dồn vào các trường ĐH, CĐ quá lớn trong khi tỷ lệ giáo viên không đảm bảo đã dẫn đến tình trạng quá tải, thừa thầy thiếu thợ. Bên cạnh đó, chỉ nên cho phép thành lập đối với những trường đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, giảng viên, tài chính, thực hiện tốt Luật Giáo dục, đồng thời kiên quyết giải thể trường không đảm bảo điều kiện theo quy định hoặc tạm dừng hoạt động, không giao chỉ tiêu tuyển sinh đối với trường không đảm bảo chất lượng đào tạo.

- Ông đánh giá thế nào về việc nhiều trường NCL cho rằng, sự bất hợp lý trong chính sách tuyển sinh (cách xác định điểm sàn) đã khiến họ không tuyển đủ chỉ tiêu?

- Thực tế, trong vài năm gần đây đã diễn ra tình trạng các trường công lập hầu như vét hết chỉ tiêu tuyển sinh làm cho cơ hội tuyển sinh của các trường NCL, trường nghề, ngày càng bị thu hẹp. Trước tình trạng này, Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu về chính sách tuyển sinh một cách hợp lý nhằm tạo điều kiện cho các trường NCL, trường nghề có cơ hội tuyển sinh, nếu không nguy cơ đóng cửa các trường này là nhãn tiền.

- Xin cảm ơn ông!