Không nên có lời nói và hành động làm phức tạp tình hình Biển Đông

ANTĐ - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trả lời câu hỏi của phóng viên “đề nghị Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết phản ứng và quan điểm đối với lời phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng các đảo ở Biển Đông thuộc chủ quyền của Trung Quốc từ thời cổ xưa”.

Việt Nam thể hiện trách nhiệm và vị thế

Thông tin tới báo giới trong nước và quốc tế, ông Lê Hải Bình, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam chiều nay 12-11, cho biết: Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Philippines Benigno Aquino III, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trương Tấn Sang và Phu nhân sẽ tham dự Hội nghị các nhà Lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 23 tổ chức tại Manila, Philippines từ ngày 17 đến 19-11.

Với chủ đề “Phát triển kinh tế bao trùm, xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn”, Hội nghị APEC dự kiến sẽ tập trung vào các nội dung như Tăng trưởng bền vững, bao trùm; Liên kết kinh tế và hệ thống thương mại đa phương; Tăng cường tham gia của doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ; Cộng đồng bền vững và tự cường.

Việt Nam đồng thời thể hiện trách nhiệm và vị thế trong khu vực với việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 27 tại Malaysia theo lời mời của Thủ tướng Malaysia Najib Tun Abdul Razak. Các nhà Lãnh đạo ASEAN sẽ tập trung đánh giá về kết quả triển khai Lộ trình Xây dựng Cộng đồng ASEAN và việc hình thành Cộng đồng ASEAN 2015.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo khu vực sẽ quyết định về phương hướng thúc đẩy liên kết ASEAN lên tầng nấc cao hơn trong thập kỷ tới, củng cố đoàn kết, thống nhất và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực, tăng cường năng lực của ASEAN ứng phó hữu hiệu với các yêu cầu và thách thức đặt ra trong thời gian tới.

Lần thứ tư được tín nhiệm và trúng cử ở UNESCO

Rạng sáng ngày hôm nay 12-11, Việt Nam đã được tuyên bố trúng cử vào Hội đồng chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) nhiệm kỳ 2015-2019 với số phiếu cao là 156 phiếu. 
Thông tin chi tiết về việc này, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, việc trở thành thành viên của Hội đồng chấp hành UNESCO với số phiếu cao thể hiện vị thế và uy tín ngày càng cao trên trường quốc tế của Việt Nam, đồng thời là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế trước những đóng góp của Việt Nam đối với UNESCO. 

Đây là lần thứ 4 Việt Nam được tín nhiệm và trúng cử thành viên Hội đồng chấp hành UNESCO. Những lần Việt Nam trúng cử trước vào năm 1978-1983, 2001-2005 và 2009-2013.

Không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông

Trả lời câu hỏi “Đề nghị Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết phản ứng và quan điểm đối với lời phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng các đảo ở Biển Đông thuộc chủ quyền của Trung Quốc từ thời cổ xưa”; Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ: “Một lần nữa Việt Nam khẳng định có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử về chủ quyền không thể tranh cãi của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

“Chúng tôi yêu cầu các bên tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, không có lời nói và hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đồng thời yêu cầu các bên “đóng góp tích cực cho hoà bình và ổn định trong khu vực và trên thế giới”.

Trước đó, tờ “The Straits Times” của Singapore tường thuật buổi nói chuyện tại Đại học Quốc gia Singapore sáng 7-11 thông tin lại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định vô căn cứ rằng các đảo ở Biển Đông thuộc chủ quyền của Trung Quốc từ thời cổ xưa, do đó Trung Quốc phải “giữ gìn chủ quyền và lợi ích biển của mình”. Ông Tập Cận Bình còn ngang nhiên nói Trung Quốc đang tìm cách giải quyết những vấn đề tồn tại giữa họ và các nước đang “chiếm một số đảo” ở Biển Đông.

Trả lời câu hỏi về quan điểm của Việt Nam xung quanh việc Indonesia cân nhắc kiện Trung Quốc ra Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) khi không thể giải quyết yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông thông qua đối thoại, Người phát ngôn Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Chủ trương nhất quán của Việt Nam là giải quyết mọi vấn đề ở Biển Đông dựa trên các biện pháp hòa bình, dựa vào luật pháp quốc tế đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Chúng tôi cho rằng, các quốc gia có quyền lựa chọn các biện pháp hòa bình và phù hợp để giải quyết tranh chấp quốc tế có liên quan tới mình”.

Việt Nam bảo vệ các quyền và lợi ích pháp lý ở Biển Đông

Liên quan tới vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, ông Lê Hải Bình đề cập tới tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra hôm 31-10, nêu rõ chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Là quốc gia ven biển ở Biển Đông và thành viên Công ước Liên ​Hợp Quốc về Luật Biển 1982, Việt Nam có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình được xác định phù hợp với công ước.

Ông Lê Hải Bình nhắc lại rằng: “Việt Nam đã nhiều lần thể hiện quan điểm của mình, đặc biệt trong Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa Trọng tài ngày 5-12-2014. Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi sát tiến trình tiếp theo của vụ kiện và bảo lưu quyền sử dụng mọi biện pháp hòa bình phù hợp và cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích pháp lý của mình ở Biển Đông".

Tích cực bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài

Thông tin chính xác về việc một nữ doanh nhân Việt Nam bị bắt tại Philippines vì có đạn trong túi xách, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm nay cho biết: Theo thông tin của Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines, vụ việc này xảy ra tại sân bay Ninoy Aquino vào ngày 7-11-2015. Ngay lập tức, Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines đã tiến hành các thủ tục bảo hộ công dân cần thiết đối với công dân Việt Nam và đương sự đã về nước sau khi hoàn tất các thủ tục xử phạt hành chính.

Về thông tin liên quan đến vụ việc xô xát của công nhân Việt Nam tại Algeria, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết: Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria phối hợp chặt chẽ để chuyển 5 lao động Việt Nam sang làm việc tại công trường khác. Các lao động là nạn nhân của vụ việc xô xát có liên quan cũng đã xuất viện và sức khỏe bình thường, toàn bộ chi phí điều trị đã được đơn vị sử dụng lao động chi trả. Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria đang phối hợp giải quyết các vấn đề còn tồn tại liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của lao động Việt Nam tại đây.

Tin cùng chuyên mục