Không may khi đi hội cầu may

ANTĐ - Với mong muốn đầu năm “mua may, bán rủi”, rạng sáng  26-2 (tức mùng 8 tháng Giêng), hàng vạn người đã đổ về chợ Viềng, Vụ Bản- Nam Định. Bên ngoài chợ giao thông tắc nghẽn trong nhiều giờ, bên trong chợ là cảnh tượng xô đẩy, giẫm đạp lên nhau. Hình ảnh của lễ hội bỗng trở nên xấu xí trong mắt du khách.

Không may khi đi hội cầu may ảnh 1Biển người tắc nghẽn ở chợ Viềng

Mỗi năm “chém đẹp” có một ngày

Chợ Viềng chỉ họp duy nhất 1 ngày trong năm, vào mùng 8 tháng Giêng âm lịch. Xưa kia chợ không chỉ là nơi mua bán hàng hóa mà còn là điểm giao lưu văn hóa cộng đồng, đón chuyến xuất hành đầu xuân của nhiều khách thập phương. Theo quan niệm dân gian, những vật dụng du khách mua tại chợ Viềng sẽ đem lại cho gia đình họ may mắn. Chính với quan niệm “mua được là may, bán được là quý” nên người bán và mua đều có tâm lý vui vẻ, ai cũng muốn sở hữu những cây cảnh thế đẹp hoặc một số dụng cụ nông nghiệp để cầu mong trong năm mới, mưa thuận gió hòa, sản xuất làm ăn phát đạt.

Chị Phạm Thị Hoa (32 tuổi, Hà Nam) cho biết: “Năm nào tôi cũng cùng gia đình đến phiên chợ từ tối mùng 7 Tết. Đi chợ Viềng tôi thường mua cho gia đình một số cây cảnh như lộc vừng hoặc hoa để cầu mong việc kinh doanh thuận buồm xuôi gió.”

Lợi dụng tâm lý đi mua lấy may của du khách nên những người kinh doanh ở đây tha hồ hét giá. Gửi xe ô tô giá dao động từ 100 - 150 nghìn đồng/xe/lượt. Giá trông giữ xe máy 20 nghìn đồng/xe. Từ cách chợ vài cây số đã thấy người trông xe mời chào lôi kéo. Các bãi trông giữ xe ngang nhiên mọc ngay trên vỉa hè, khiến người đi bộ phải tràn xuống lòng đường.

Khách đông, nhộn nhạo, các dịch vụ cũng vì thế mà đẩy giá lên “cắt cổ”. Nước uống đóng chai 30 nghìn đồng/chai. Khách uống nước ngồi từ 30 phút đến hơn một tiếng đồng hồ sẽ bị tính giờ “lưu trú” từ 50 - 100 nghìn đồng. Tại hội chợ Viềng cũng xuất hiện nhiều người ăn xin xếp hàng dài từ quốc lộ 38B.

Không may khi đi hội cầu may ảnh 2Người ăn xin vạ vật trên lối vào chợ Viềng

Chen lấn và ngất xỉu

Không chỉ đến chợ Viềng cầu may, nhiều người dân còn kết hợp đi lễ Phủ Giầy gần đó. Từ khoảng 21h ngày 25-2, quốc lộ 38B và các ngõ nhỏ dẫn đến chợ Viềng đều đã chật kín người, dẫn đến tình trạng chen lấn, xô đẩy. Phải chờ đợi lâu, không thể di chuyển, một số thanh niên quá khích tạo thành từng nhóm hò dô và…đẩy. Chôn chân nhích  từng centimét, đến 1h30 ngày chính hội, nhiều du khách đã mệt tới ngất xỉu. Sáng kiến của những người “không may đi hội mua may” là  dựng xe, quây thành vòng nhỏ tạo khoảng trống để thoát khỏi cảnh ngạt thở. Một số người điều khiển xe máy đành phải ngủ gục trên xe; người ngồi trên ô tô, xe khách do nóng cũng phải thò đầu ra cửa sổ hoặc ngồi trên nóc xe.

Anh Bùi Hà Thanh (Bắc Giang) lần đầu tiên đi chợ Viềng cho biết, không thể tưởng tượng lại có cả biển người như thế. “Không biết chen lấn xô đẩy thế này thì cầu may ở điểm nào, khéo về mấy đứa nhỏ còn ốm”, anh Thanh lo lắng.

Theo ghi nhận của phóng viên, cho đến 2h sáng 26-2, tình trạng ùn tắc giao thông vẫn kéo dài tới hơn 2km, dòng người và các phương tiện vẫn nối đuôi nhau mong vào được chợ mua may mắn. Nhưng cũng nhiều người ngán ngẩm bỏ về do không chịu được cảnh ùn tắc, chen lấn. 

Người phát ngôn Bộ VH-TT&DL Phan Đình Tân: Không thể để các hiện tượng phi văn hóa trong lễ hội văn hóa

Mùa hội năm 2015 mới chỉ bắt đầu được vài ngày nhưng đã có không ít mặt xấu phơi bày, khiến dư luận đặt câu hỏi, vì sao lễ hội ngày càng biến tướng thảm thương như vậy. Phóng viên ANTĐ đã có cuộc trò chuyện cùng Người phát ngôn Bộ VH-TT&DL Phan Đình Tân.

- PV: Thưa ông, trước mùa lễ hội đã có nhiều văn bản chỉ đạo về khâu tổ chức, nhưng các hành vi bạo lực trong lễ hội vẫn gia tăng, liệu có phải văn bản đi chậm hơn so với thực tế?

- Ông Phan Đình Tân: Tôi phải nói ngay rằng, văn bản ra đời đã góp phần tăng cường tiếng nói quản lý của Nhà nước đối với việc tổ chức các lễ hội nhưng một số nơi thực hiện vẫn chưa nghiêm túc dẫn tới những lộn xộn kể trên. Xu hướng bạo lực trong các lễ hội nói riêng cũng như xu hướng bạo lực trong xã hội nói chung theo tôi do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trước hết do thiếu sự chia sẻ, tình thương yêu, thiếu sự quan tâm, giáo dục đạo đức, trách nhiệm trong cộng đồng. Còn một lý do khác nữa là do người tổ chức chưa nhận thức đúng bản chất của các nghi lễ trong lễ hội. Cụ thể như việc chọn lựa người thực hiện nghi lễ không còn giữ được đúng các nguyên tắc, lề lối xưa kia như phải đủ tiêu chuẩn về đạo đức, nhân cách, tính kỷ luật... Sai lầm trong việc lựa chọn người chưa đủ đức, tâm, tài để thực hành các nghi lễ trong lễ hội cũng làm nảy sinh các biến tướng. Lễ hội chính là tấm gương phản chiếu của xã hội.

- Phải chăng còn có nguyên nhân do chúng ta đã phục dựng “quá tay” các lễ hội? 

- Cũng có một vài ý kiến đổ lỗi, rằng phục dựng làm gì nhiều lễ hội thế. Tôi phải nói thẳng là không ai lại đi phục dựng hình ảnh phản văn hóa, phản tín ngưỡng như tranh cướp giẫm đạp lên nhau như ở một vài lễ hội thời gian qua. Phục dựng lễ hội là để tôn vinh giá trị văn hóa, tưởng nhớ ân đức của cha ông. Mọi sự biến tướng đều nảy sinh ngoài ý muốn. 

- Để bảo tồn sự đa dạng văn hóa, chúng ta có nên giữ quan điểm về “quyền quyết định của chủ thể văn hóa” không, thưa ông?

- Tôi lấy ví dụ như Lễ hội chém lợn vừa qua ở làng Ném Thượng. Mặc dù dư luận đã lên tiếng, nhưng rồi vẫn cứ làm và gạt mọi sự góp ý ra ngoài tai. Đây là hậu quả của quản lý kém, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm của các cơ quan quản lý hành chính. Việc này cũng do có sự tiếp tay của một số nhà nghiên cứu bảo thủ. Đây cũng là dấu hiệu của việc thực thi pháp luật không nghiêm. Cơ quan quản lý văn hóa tại địa phương lại cho rằng việc chém lợn hay không, chém như thế nào để đỡ phản cảm… nên để cộng đồng quyết định. Vậy vai trò định hướng của cơ quan quản lý Nhà nước ở đâu? Nhà nước phải quản lý, phải cương quyết đưa ra những quyết định mà ở vị trí của người dân họ không nhìn ra được hoặc vì lợi ích của cá nhân họ không chịu thừa nhận. 

- Vậy theo ông, chúng ta cần có thêm những giải pháp gì để quản lý các hoạt động lễ hội vốn lâu nay luôn là “điểm nóng”?

- Phải có chế tài rất cụ thể đối với các nơi tổ chức lễ hội. Trong trường hợp để xảy ra các biến tướng, các hành vi phản cảm trong lễ hội thì lãnh đạo của địa phương đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Không thể để kéo dài  tình trạng xô bồ từ năm này qua năm khác, hay nếu sai chỉ xin lỗi xong rồi thôi. Tùy theo sai phạm nặng nhẹ mà có các hình thức kỷ luật như cắt chức, luân chuyển công tác hay thậm chí là cấm hẳn không cho tổ chức lễ hội nếu các sai phạm còn tái diễn. 

- Đây là những hoạt động văn hóa phi vật thể, liệu lập một “hàng rào cứng” có thích hợp?

- Theo tôi là không thể để các hiện tượng phản cảm, phi văn hóa như vậy tái diễn  trong các lễ hội văn hóa. Sao lại để một vài vi phạm ở một vài địa phương, vùng miền mà ảnh hưởng tới hình ảnh của quốc gia, dân tộc. Lợi ích quốc gia dân tộc phải được đặt trên hết, chứ không phải là lợi ích một vài cộng đồng nhỏ nào đó.

Quỳnh Vân (Thực hiện)

Lễ hội giờ khác quá…

Ngày trẻ năm nào tôi cũng đi hội làng. Hội làng khi ấy khác giờ nhiều lắm, vừa trang nghiêm, vừa vui vẻ, ai nấy đều thảnh thơi, hòa nhã, thậm chí ngày thường có mâu thuẫn, khúc mắc, đến khi gặp nhau ở hội làng còn cho qua hết, tay bắt mặt mừng. Thế nên đi dự hội thấy lòng thư thái, bao nhiêu bộn bề lo toan vất vả của một năm tan biến hết. Tôi giữ thói quen đó cho đến vài năm trở lại đây, quả thực không dám đi dự lễ hội nữa. Nhìn cảnh chen lấn, xô đẩy, tranh cướp mà phát sợ. Hình ảnh những dòng người chật cứng trên con đường vào các đình đền miếu mạo cùng tiền lẻ rải vung vãi khắp nơi khiến tôi không khỏi ái ngại. Nhiều người không cần biết ai đứng cạnh, bất kể già, trẻ, gái trai, họ sẵn sàng dùng sức mạnh chen lên bằng được, để nhét tiền vào kiệu, vào miệng, vào tay tượng Phật. Họ đi lễ, đi hội mà hùng hổ, ngang ngược, vụ lợi, tranh giành lấy được, buôn thần bán thánh… Như vậy đâu còn đúng tính chất đi lễ hội.   

Không chỉ có vậy, tại các khu vực xung quanh một số nơi thờ tự, hình ảnh những hàng quán tạm bợ, nhếch nhác, người ngồi ăn uống nhồm nhoàm, nói tục chửi bậy, thậm chí gây gổ, đánh nhau cũng khiến cảnh chùa chiền nhếch nhác, lộn xộn, làm cho việc du xuân đầu năm mất đi ý nghĩa vốn có. Không biết đến bao giờ, mọi người mới có thể hiểu một điều đơn giản rằng: Đi lễ, đi hội là để vãn cảnh, cầu may, để tìm được sự thư thái trong tâm hồn, và những điều đó không bao giờ tìm được nhờ chen lấn, xô đẩy, tranh cướp.

Bà Phan Thị Thanh (83 tuổi, phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội)