Không làm việc ác, tự nhiên mình sẽ được an lành, hạnh phúc

ANTD.VN -Nhân kỷ niệm ngày lễ Phật đản 2018 đang đến gần, Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện cùng Đại đức Thích Thanh Toàn, Chánh Văn phòng Học viện Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Sặt (Hải Dương) về ý nghĩa của ngày lễ đặc biệt này.

PV: Để chỉ ngày Đức Phật ra đời có nhiều cách gọi khác nhau như Đản sinh, Thị hiện, Phật đản. Xin Đại đức cho biết cách gọi khác nhau ấy liệu có phải vẫn đồng nhất mặt ý nghĩa?

Đại đức Thích Thanh Toàn: Ngày Phật Đản là để kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời. Chúng ta dùng từ Đản sinh hay Thị hiện cũng để chỉ sự ra đời của Đức Phật từ trong tâm không bị hiệp lực chi phối. Đức Phật đến một cách tự tại trong mỗi người.

Còn chúng ta, những người bình thường đã ra đời trong hiệp lực. Đản sinh là ngày Đức Phật ra đời mang niềm vui, niềm an lạc, hạnh phúc đến với mọi người. Thị hiện là tùy theo tâm nguyện và tùy theo hạnh nguyện cứu độ chúng sinh thoát qua khổ đau mà ngài ra đời.

Lễ mộc dục vào dịp lễ Phật đản
Lễ mộc dục vào dịp lễ Phật đản             

PV: Vào ngày Phật Đản, nhiều người đã lựa chọn việc đến các chùa để tri ân đối với Đức Phật, để lễ bái và cầu nguyện những điều tốt đẹp. Theo Đại đức, điều đó đã đủ chưa?

Đại đức Thích Thanh Toàn: Kỷ niệm ngày Phật ra đời là để tri ân đối với Đức Phật. Tuy nhiên, tri ân thôi chưa đủ bởi đạo Phật là một con đường giác ngộ. Đã là con đường thì mình nên đặt chân lên đi.

Trong kinh Pháp Hoa có nói, Đức Phật là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành. Vì thế, kỷ niệm ngày Đản sinh, tức là ngoài kỷ niệm ngày Đức Phật sinh ra còn là để hướng về tâm mỗi người, để một vị Phật từ trong tâm được sinh ra. Và vị Phật đó chính là tinh thần của từ bi, thương yêu, tha thứ làm cho cái từ bi, thương yêu, tha thứ trong mỗi nguời lớn dần lên.

PV: Nhiều người cho biết, đi lễ chùa giúp họ có được những giây phút thanh thản. Nhưng khi trở lại cuộc sống đời thường, họ lại bị cuốn vào vòng xoáy của danh lợi, của những khổ đau. Đại đức có thể đưa ra một vài chỉ dẫn để hướng mọi người đến với niềm vui an lạc, đặc biệt là trong dịp lễ Phật đản hàng năm?

Đại đức Thích Thanh Toàn: Chúng ta đến với chùa, tức là đã đến với đạo Phật. Điều đó có nghĩa, người đi lễ chùa đã biết con đường đến với an vui, biết đến giáo lý nhà Phật hướng con người đến từ bi hỉ xả. Còn có đặt chân lên đó và bước đi hay không thì còn tùy vào mỗi người.

Giống như tôi ngồi ở Hải Dương mà chỉ cầu nguyện thì làm sao đi tới Hà Nội. Vì thế, muốn được an vui, thanh tịnh trong tâm hồn, mình phải thực hành lời Phật dạy trong cuộc sống. Những người Phật tử tại gia chúng ta cần giữ gìn 5 điều Phật dạy là không sát sinh, không uống rượu bia hay các chất gây nghiện, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối.

Đặc biệt là 3 điều khắc nguyện: không làm việc ác, làm tất cả việc lành, giữ cho tâm ý mình trong sạch thì tự nhiên mình sẽ được an lành, hạnh phúc. Còn khi chúng ta đến chùa là cơ duyên để nhắc nhở mỗi người về con đường đưa đến an lành, hạnh phúc. Bởi vì có những điều chúng ta nói hoài, nói mãi nhưng người ta vẫn quên. 

PV: Có lẽ vì những điều nói mãi mà chúng sinh vẫn quên nên nhiều người vẫn kêu khổ, thưa Đại đức?  

Đại đức Thích Thanh Toàn: Đạo Phật là con đường thực tu, thực chứng. Mình tu được phần nào thì mình được hưởng niềm vui an lạc phần đó. Mình không thể tu toàn phần thì mình tu từng phần, nên lúc nào mình tu thì được hưởng niềm vui hạnh phúc, còn lúc nào mình không tu thì mình chịu khổ đau.

PV: Đến với các chùa vào dịp lễ Phật Đản, Đại đức có lời khuyên nào dành cho những người ngoại đạo cho đến các tín đồ của đạo Phật?

Nghi thức trong ngày Phật đản
Nghi thức trong ngày Phật đản             

Đại đức Thích Thanh Toàn: Đức Phật không phân biệt các tôn giáo, không phân biệt ngoại hay nội đạo. Bởi trong kinh, Đức Phật nói tất cả đều có khả năng thành Phật, tức là dù người theo niềm tin tôn giáo khác cũng có thể lĩnh hội tinh thần từ bi bác ái của đạo Phật.

Với những người theo tôn giáo khác đến với nơi thờ tự cũng là một lần tìm hiểu về giáo lý đạo Phật, kính ngưỡng Đức Phật. Còn với các tín đồ của đạo Phật, đến với nơi thờ tự không phải chỉ để cầu nguyện mà để chiêm nghiệm con đường mà Đức Phật đã đi.

Thông qua con đường Đức Phật đã đi sẽ là giáo lý đạo Phật để mỗi người tự nhận ra và áp dụng trong cuộc sống. Ở cả hai trường hợp, nếu thấy hạnh phúc, an vui thì đều có thể được.

Trong kinh, Đức Phật cũng có nói “Phật tâm vô xứ bất từ bi”, nơi nào có từ bi, nơi nào có thương yêu, cảm thông, tha thứ, nơi đó có mặt của đạo Phật. Vậy thì, những cái gì cảm thông, tha thứ, từ bi đấy là Phật rồi, không cần phải tôn giáo. Các tôn giáo đều hướng con người ta đến những điều tốt đẹp, chỉ có con đường đi là khác nhau.

PV: Nghi lễ mộc dục được hầu hết các chùa tổ chức vào lễ Phật đản. Nghi thức này ngoài việc hướng về Đức Phật còn có ý nghĩa nào với người thực hành nghi lễ, thưa Đại đức?

Trong truyền thống Phật giáo có nhiều nghi lễ đáp ứng nhu cầu tâm linh của các tín đồ Phật tử. Ngoài việc truyền giảng về cuộc đời, con đường tu hành của đức Phật, chúng ta còn các nghi thức để tác động đến trái tim, đến tâm thức của mỗi người.

Ví dụ như nghi lễ mộc dục hay còn gọi là quán hội Phật có từ thời xa xưa, đặc biệt là thời Lý, Trần. Dùng nước hương, nước hoa gội lên thân thể của Đức Phật sơ sinh. Nghi lễ không chỉ có ý nghĩa đối với tôn giáo mà còn có ý nghĩa gột rửa những cái tham, cái sân, cái khổ đau trôi theo dòng nước đó, làm cho cái tâm của mỗi người trở nên thanh lương, mát mẻ, an nhiên.

PV: Xin cảm ơn Đại đức về cuộc trò chuyện!