Không làm đảo lộn

ANTĐ - Sơ kết mô hình tập đoàn kinh tế Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã có những trao đổi cô đọng và sâu sắc với đại diện 7 tập đoàn Nhà nước với tinh thần “làm sao để các tập đoàn kinh tế của Nhà nước ngày một hoàn thiện hơn, tốt hơn”.
Không làm đảo lộn ảnh 1
Thủ tướng yêu cầu phải tổng kết sâu hơn về thực trạng của tập đoàn kinh tế, 12 tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước cuối năm nay, hoặc cùng lắm là sang quý I năm tới, phải trình được phương án tái cơ cấu đơn vị của mình. Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là không làm đảo lộn cả nền kinh tế. Sau khi lắng nghe tâm tư bức xúc về tình trạng lỗ của ngành điện, nhất là chuyện đến hôm nay vẫn chưa đưa được giá điện theo cơ chế thị trường của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, người đứng đầu Chính phủ bày tỏ thông cảm, nhưng cũng nhấn mạnh EVN phải chịu đựng là vì “sức chịu đựng của nền kinh tế không cho phép đưa giá điện đi ngay theo thị trường được”, phải có lộ trình, nếu không sẽ làm đảo lộn cả nền kinh tế. Thủ tướng cũng thẳng thắn vạch ra những vấn đề “nhùng nhằng” đang tồn tại trong hoạt động của các tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước. Đơn cử, về cơ chế quản trị doanh nghiệp, nhiều người được giao quyền nhưng trách nhiệm không rõ ràng. Hoặc như việc thanh tra, kiểm tra chồng chéo quá nhiều, các tập đoàn, Tổng công ty “khổ” mà bản thân người đứng đầu cũng “khổ”. Tập đoàn kinh tế Nhà nước, được thí điểm thành lập đầu tiên vào năm 2005, đã hơn 6 năm qua chưa phải là một chặng đường dài đủ điều kiện để kết luận tiếp tục duy trì mô hình này hay “khai tử”. Thủ tướng cho biết ông đã lắng nghe những ý kiến nhận xét việc triển khai thành lập và thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế Nhà nước là vội vàng. Có nên cần thiết phải như vậy không hay nên bỏ cả 12 tập đoàn đó đi? Ông khẳng định rằng: “Khó khăn gì chúng ta cũng phải làm, phải kiên định làm. Phải kiên trì xây dựng được các tập đoàn kinh tế mạnh”. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng bày tỏ thái độ cương quyết: Doanh nghiệp con, cháu không cần rải mành mành ra như hiện nay, mà phải sáp nhập lại. Doanh nghiệp nào thua lỗ thì phải giải thể ngay. Hơn ai hết, Bộ Kế hoạch - Đầu tư là người nắm rõ nội tình, “gan ruột” của các tập đoàn kinh tế Nhà nước. Báo cáo của bộ này cho biết, phần lớn tài sản của nhiều tập đoàn được hình thành từ vốn vay. Theo số liệu của 9 tập đoàn kinh tế Nhà nước có báo cáo về Bộ cho thấy, 58,07% giá trị tài sản của các tập đoàn được hình thành từ vốn vay. Cụ thể, Tập đoàn Điện lực Việt Nam là 79,4%, Tập đoàn Công nghiệp xây dựng tới 79,7%. Có thể nói, một số tập đoàn có thực lực tài chính yếu, vốn kinh doanh chủ yếu là vốn vay. Cũng theo đánh giá của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, mặc dù các tập đoàn báo cáo tình hình kinh doanh có lãi, nhưng để đánh giá được chính xác về hiệu quả sản xuất kinh doanh của các tập đoàn này còn nhiều vấn đề đặt ra. Rất khó cho cơ quan Nhà nước có thể tiếp cận một cách đầy đủ và chính xác các thông tin về kết quả hoạt động của các tập đoàn. Thậm chí, theo Bộ này có những lý do khác nhau đã dẫn đến những cách đánh giá khác nhau về hiệu quả thực của tập đoàn hoặc tạo cớ để biện minh cho sự kém hiệu quả của tập đoàn. Chỉ khi nào những “lỗ hổng” bục vỡ như Vinashin thì mới rõ thực hư và tìm giải pháp để... giải cứu. Tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước, mà trọng tâm và mũi nhọn là các tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước theo quản điểm của Thủ tướng Chính phủ là không làm đảo lộn cả nền kinh tế, không gây đổ vỡ trong hệ thống ngân hàng như đã bắt đầu đột phá bằng việc hợp nhất ba ngân hàng thương mại cổ phần. Muốn không gây ra đảo lộn, đổ vỡ, rõ ràng phải tiến hành một cuộc “tổng kiểm tra sức khỏe” của các tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước. Bởi nếu không biết rõ thể trạng, điểm mạnh, điểm yếu thì không thể tái cơ cấu thành công được.