Không ký hợp đồng lao động để trốn đóng bảo hiểm xã hội sẽ bị phạt tiền hoặc đối diện án phạt tù

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Tôi được một doanh nghiệp tư nhân nhận vào làm việc từ đầu năm 2022 với mức lương 30 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà doanh nghiệp không ký hợp đồng lao động với tôi, trong khi họ vẫn trả lương đều đặn hàng tháng qua tài khoản ngân hàng. Mới đây, họ tự ý chuyển tôi sang làm việc ở bộ phận khác và giảm hơn 10 triệu đồng tiền lương/tháng của tôi. Nói chuyện với các đồng nghiệp, tôi được biết, doanh nghiệp này từ nhiều năm nay vẫn thế. Họ hầu như không ký hợp đồng lao động với bất kỳ nhân viên nào trong số gần 200 lao động đang làm việc tại đây... Việc này khiến đại đa số người lao động trong công ty tôi không được đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), trong số đó rất nhiều người đã làm việc tại đây từ 3 - 4 năm. Xin hỏi luật sư, pháp luật về lao động quy định thế nào đối với doanh nghiệp và chủ sử dụng lao động. Việc công ty không ký hợp đồng lao động với người lao động và không đóng BHXH cho hàng trăm nhân viên trong suốt thời gian dài có vi phạm pháp luật? Nếu vi phạm thì sẽ bị xử lý thế nào? Và tôi phải làm như thế nào để bảo vệ quyền lợi của mình khi họ tự ý điều chuyển công việc và hạ lương? Nguyễn Thị Vinh (Hà Nội)

Luật sư trả lời:

Luật sư Đặng Văn Sơn - (VPLS Đặng Sơn và Cộng sự, số nhà 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội)

Luật sư Đặng Văn Sơn - (VPLS Đặng Sơn và Cộng sự, số nhà 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội)

Người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động

Căn cứ quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019 thì hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động và được làm thành 2 bản, người lao động giữ 1 bản, người sử dụng lao động giữ 1 bản. Giao kết hợp đồng lao động được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực. Đồng thời, tự do giao kết hợp đồng lao động nhưng không được trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội... Như vậy, theo quy định nêu trên, công ty phải thực hiện giao kết hợp đồng bằng văn bản đối với những hợp đồng có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên. Do đó, đối với trường hợp bạn đã đi làm từ đầu năm 2022 mà công ty không ký kết hợp đồng là đã vi phạm quy định của pháp luật.

Theo khoản 1, Điều 9 - Nghị định 12/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động thì: “Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: giao kết hợp đồng lao động không bằng văn bản với người lao động làm công việc có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên; giao kết hợp đồng lao động không bằng văn bản với người được ủy quyền giao kết hợp đồng cho nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên làm công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng, quy định tại khoản 2, Điều 18 của Bộ luật Lao động; giao kết không đúng loại hợp đồng lao động với người lao động; giao kết hợp đồng lao động không đầy đủ các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật”.

Mức xử phạt đối với người sử dụng lao động (đối với cá nhân) khi vi phạm một trong các hành vi trên cụ thể là: từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với vi phạm từ 1 người đến 10 người lao động; từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động; từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động; từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động và từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên. Đối với tổ chức thì mức phạt khi không giao kết hợp đồng lao động bằng 2 lần mức phạt đối với người sử dụng lao động là cá nhân (theo khoản 1, Điều 6, Nghị định 12/2022/NĐ-CP).

Ngoài việc xử phạt thì điểm a, khoản 3, Điều 9 Nghị định 12/2022 còn quy định về biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm về giao kết hợp đồng lao động. Đó là: “Buộc người sử dụng lao động giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người lao động khi có hành vi giao kết hợp đồng lao động không bằng văn bản với người lao động làm công việc có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên”. Như vậy, trường hợp bạn đã làm việc từ đầu năm 2022 mà công ty không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với bạn thì công ty có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, mức xử phạt tùy thuộc vào số lượng người lao động mà công ty vi phạm. Ngoài việc bị phạt tiền công ty bạn làm việc còn phải buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là phải tiến hành giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với những người làm từ đủ 1 tháng trở lên.

Người lao động cần nắm rõ những quy định pháp luật như hợp đồng lao động, chế độ bảo hiểm để bảo vệ quyền lợi của mình

Người lao động cần nắm rõ những quy định pháp luật như hợp đồng lao động, chế độ bảo hiểm để bảo vệ quyền lợi của mình

Doanh nghiệp phải thực hiện đóng BHXH cho người lao động

Khi doanh nghiệp ký kết hợp đồng lao động thì đồng thời phải thực hiện đóng BHXH cho người lao động theo quy định tại Luật BHXH. Căn cứ Điều 2, Luật Bảo hiểm xã hội 2014, các đối tượng bắt buộc phải tham gia đóng BHXH là: “Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động; Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng”. Nếu người lao động đã ký hợp đồng từ đủ 3 tháng trở lên thì theo quy định tại khoản 1 và khoản 2, Điều 2, Luật BHXH, công ty phải có trách nhiệm tham gia bảo hiểm bắt buộc cho bạn. Trong trường hợp này, công ty không đóng BHXH cho người lao động, tức là đã vi phạm quy định của pháp luật về BHXH, quy định tại khoản 1 và khoản 2, Điều 17 - Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Theo đó, các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 17 - Luật BHXH) gồm: Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; Chậm đóng tiền BHXH, BHTN”. Khi đó, công ty bạn sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 122 - Luật BHXH 2014. Cụ thể là: “Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 17 của Luật này từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc Nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội”.

Căn cứ khoản 5, Điều 39 - Nghị định 12/2022, phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BHTN tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN. Bên cạnh đó, pháp luật còn buộc người sử dụng lao động đóng đủ số tiền BHXH bắt buộc phải đóng cho cơ quan BHXH và buộc người sử dụng lao động nộp khoản tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng, không đóng, trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng. Nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc Nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng và khoản tiền lãi của số tiền này tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt vào tài khoản của cơ quan BHXH.

Bên cạnh việc xử phạt bằng tiền đối với các vi phạm về đóng BHXH, BHTN thì Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 cũng đã có quy định về tội “Trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động”. Theo đó, hình phạt cao nhất của tội danh này lên đến 7 năm tù. Cùng với đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Từ những phân tích trên có thể thấy, trường hợp của bạn chưa ký kết hợp đồng với người sử dụng lao động nên chưa xác định được công việc mà bạn làm theo hợp đồng như thế nào. Và đây cũng có thể là lý do vì sao doanh nghiệp không ký kết hợp đồng lao động đối với người lao động. Để bảo vệ quyền lợi của mình, trước tiên bạn cần yêu cầu doanh nghiệp sử dụng lao động nơi bạn đang làm việc thực hiện giao kết hợp đồng lao động và sau khi ký kết hợp đồng lao động sẽ làm căn cứ để giải quyết các tranh chấp phát sinh. Nếu bạn đã yêu cầu mà doanh nghiệp không thực hiện thì bạn đề nghị Công đoàn nơi bạn làm việc can thiệp bảo vệ theo quy định của pháp luật.

Bạn đọc có nhu cầu được tư vấn pháp luật xin mời gửi thư đến tòa soạn, địa chỉ số 82 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc gọi điện đến Đường dây nóng: (024)39426618; 0903289922; hoặc hòm thư điện tử: bandoc@anninhthudo.vn. ANTĐ