Không khéo lại tác dụng ngược

ANTĐ - Cầm trên tay tờ báo hững hờ, cô Trần Thị Quang (ở Pháo Đài Láng) bần thần.

- Cầm báo không đọc mà cô tính toán gì thế?

- Cô đang đọc thông báo về thay đổi giờ làm, giờ học của con cái để tránh ùn tắc đường. Đang tính toán xem, nếu thực sự áp dụng vào thực tế thì giờ giấc của con cái, bố mẹ có gì bất ổn không?

- Vậy cô tính toán ra sao?

- Cô thì làm cơ quan Nhà nước, giờ giấc không có vấn đề gì nhiều, quan trọng là chồng cô, làm việc cho doanh nghiệp, giờ giấc của họ khó điều chỉnh và khắt khe. Đứa con lớn đang học THCS, đứa con nhỏ học tiểu học. Trước nay, hai vợ chồng vẫn chia nhau đưa đón 2 đứa. Giờ thay đổi thế này, chẳng còn biết tính toán ra làm sao.

- Thấy cô tính toán, tưởng đã tìm ra cách rồi chứ?

- Cứ tính toán thế cho nó bớt lo lắng. Cơ quan Nhà nước có thể thay đổi bằng mệnh lệnh, còn các doanh nghiệp, siêu thị, các hoạt động dịch vụ khác, họ làm sao theo được. Mà mình cũng bị phụ thuộc vào các hoạt động này chứ.

- Cô có nghĩ rằng, thay đổi như vậy sẽ hết ùn tắc?

- Tôi cho rằng, nếu cho toàn bộ số người đang sinh sống, làm ăn trên địa bàn Hà Nội đi làm giờ giấc tự do thì cũng không hết được ùn tắc, chứ chưa nói tới giờ giấc theo quy định. Trong khi đó, làm không khéo có khi lại tác dụng ngược, ùn tắc cục bộ hơn.

- Thế theo cô thì không làm gì à?

- Hiện tại hạ tầng yếu, thiếu. Đường chật, người đông, chấp nhận sống chung với ùn tắc thôi. Chẳng qua là do ý thức người tham gia giao thông. Nếu chấp hành tốt, ý thức cao thì cũng bớt căng thẳng đi nhiều.