Cấm thanh toán bằng tiền mặt trong một số giao dịch dân sự

Không khéo lại "béo" ngân hàng?

ANTĐ -  Như vậy dự thảo Nghị định cấm thanh toán tiền mặt trong những giao dịch dân sự có giá trị lớn đã bắt đầu được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp (DN). 

Dự thảo đưa ra các giao dịch mua-bán, chuyển nhượng bất động sản, xe máy, ô tô, chứng khoán… sẽ không được thanh toán bằng tiền mặt mà phải thanh toán qua ngân hàng (NH). Một số giao dịch bất kể giá trị đều phải thanh toán qua NH, một số giao dịch sẽ được định ra một hạn mức mà nếu giá trị giao dịch dưới hạn mức đó mới được thanh toán bằng tiền mặt. Nghị định này sẽ thay thế Nghị định 161/2006 về thanh toán bằng tiền mặt. Tuy Nghị định 161/2006 đã có hiệu lực được 6 năm nhưng ít ảnh hưởng đến đời sống người dân vì chủ yếu áp dụng cho các khoản chi liên quan đến vốn Nhà nước, ngân sách Nhà nước. Dự thảo thay thế Nghị định 161/2006 đã mở rộng phạm vi tác động đến DN và người dân.

Ảnh internet

Mục đích tích cực

Mục đích của Nghị định này rất rõ: việc mở rộng quy định không giao dịch tiền mặt sẽ giúp người dân chứng minh được tính hợp pháp gắn với đảm bảo tài sản sở hữu, đặc biệt trong các trường hợp kiện tụng, tranh chấp tài sản, về lâu dài tạo tính an toàn và minh bạch trong giao dịch. Đây là nhu cầu thực tế, tạo thói quen giao dịch NH hiệu quả, an toàn. Bên cạnh đó, việc hạn chế sử dụng tiền mặt có giá trị lớn sẽ triệt tiêu được những mầm mống bất ổn về an ninh trật tự xã hội, thất thu thuế và tham nhũng.

Tại Dự thảo báo cáo tổng kết tình hình thực hiện Nghị định 161/2006/NĐ-CP ngày 28-12-2006 về thanh toán bằng tiền mặt, NHNN nhận định: Đối tượng và phạm vi áp dụng trong nghị định này có giới hạn nên hiệu lực về hạn mức thanh toán bằng tiền mặt chỉ tập trung vào các cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước và các tổ chức sử dụng vốn nhà nước, các đối tượng khác vẫn còn bỏ ngỏ. Trong khi đó, các đối tượng không sử dụng ngân sách Nhà nước đang chiếm tỉ trọng lớn và ngày càng phát triển mạnh. Thói quen sử dụng tiền mặt trong các giao dịch có giá trị lớn của các đối tượng này đang gây khó khăn trong việc giảm gánh nặng trong các máy ATM, phòng, chống tham nhũng, trốn thuế, rửa tiền, tiền giả. 

Thêm một lợi ích nữa đối với những giao dịch thanh toán bằng chuyển khoản là tiết kiệm được nhiều công sức trong việc kiểm đếm tiền mặt. Anh Nguyễn Văn Vị, một chủ garage ô tô trên đường Nguyễn Văn Cừ tâm sự: Nhiều người đi mua ô tô hàng tỷ đồng thanh toán bằng tiền mặt, lại có nhiều tiền lẻ, nhân viên kiểm đếm mỏi mệt và mất thời gian rất nhiều. Có khi thời gian kiểm đếm còn nhiều hơn thời gian xem xe, thử xe. Giá họ thanh toán bằng chuyển khoản và dịch vụ ngân hàng tốt hơn hiện nay thì quá hay.

 

Thế nhưng thói quen sử dụng tiền mặt trong dân còn chưa thay đổi được. Theo báo cáo, tỉ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán vào năm 2001 là 23,4%, tuy giảm đến 1%-2%/năm vào những năm đầu nhưng tỉ lệ này đã chững lại trong những năm gần đây. Năm 2008, tỉ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán là 14,6%, năm 2009 là 14,01% nhưng năm 2010 lại tăng lên 14,2%, năm 2012 là xấp xỉ 12%.

Cần hoàn thiện các công cụ tài chính trước khi thực hiện

Để thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt, điều kiện tiên quyết là chúng ta phải có một hệ thống ngân hàng mạnh với những dịch vụ nhanh, gọn, tiện lợi và an toàn. Đáng tiếc, chúng ta chưa và còn lâu mới có điều kiện đó. Một số nhân viên tài chính của các doanh nghiệp phản ảnh, ngay những giao dịch chuyển tiền hiện nay giữa các doanh nghiệp còn gặp không ít khó khăn, nếu bây giờ mở rộng ra cho các cá nhân với tất cả các giao dịch các ngân hàng sẽ quá tải. 

Hệ thống ngân hàng hiện nay làm việc theo giờ hành chính, trong khi đó các giao dịch dân sự không có giờ, nhất là các giao dịch nóng như mua  nhà đất trong thời kỳ “sốt” địa ốc, mua xe đi ngay…Thêm nữa việc chuyển tiền qua các tài khoản trong cùng ngân hàng tiền còn về tài khoản ngay, nếu khác ngân hàng có khi 2 ngày sau tiền mới về tài khoản. Trong khi đó giao dịch dân sự thông thường là “tiền trao cháo múc”, có tiền mới giao hàng. Người đã giao tiền nhưng không nhận được hàng đương nhiên sẽ lo lắng và cách tốt nhất vẫn là lách luật tranh toán bằng tiền mặt.

 Hiện cả nước có hơn 51 triệu thẻ ngân hàng, số máy ATM là hơn 14.000 chiếc, chưa kể 94.000 thiết bị chấp nhận thanh toán qua thẻ. Tuy nhiên, hàng chục triệu tài khoản ngân hàng này chủ yếu vẫn chỉ dùng để rút tiền mặt thay vì chi tiêu qua ngân hàng. Mà ngay rút tiền cũng đã khó khăn nói gì đến việc thanh toán qua thẻ. Mỗi năm chỉ riêng một kỳ giáp Tết hàng nghìn người xếp hàng tại các cây rút tiền tự động, nhiều người đội mưa đội nắng để rút được tiền của mình mà không được vì những trục trặc như cây hết tiền, máy nuốt thẻ, máy trục trặc…Chưa kể việc thu phí thẻ ATM đang triển khai còn chưa nhận được sự đồng thuận của người dùng thẻ. Nhiều chuyên gia lo lắng việc thu phí giao dịch ATM sẽ làm giảm mạnh người dùng ATM, mặc dù dùng thẻ thanh toán rất tiện lợi. Hiện mức phí giao dịch tiền mặt, chuyển khoản tại các ngân hàng ở khoảng 0%-0,05% trên số tiền mặt được giao dịch. Việc bắt buộc giao dịch qua ngân hàng sẽ chỉ làm “béo” thêm cho các ngân hàng, gây thiệt hại thêm cho người giao dịch.

Một chuyên gia tài chính nhận xét, thanh toán qua ngân hàng sẽ mang lại nhiều thuận lợi, nhưng tiện ích đó mới chỉ đến với người dân ở các đô thị, thành phố, trong khi đại bộ phận dân chúng là nông dân, mà nông thôn thì các phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng còn thưa thớt. Nông dân sẽ gặp khó khăn.

Chưa nói đến một điểm yếu cốt tử là toàn bộ hệ thống ngân hàng hiện nay chưa đảm bảo tin cậy với người dân. Hệ thống ngân hàng yếu, dịch vụ kém, thái độ phục vụ chưa tốt là thực chất của những công cụ tài chính cần và đủ để triển khai trên thực tế việc cấm thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch lớn. 

Cách tốt nhất hãy hoàn thiện hệ thống các công cụ tài chính trước khi triển khai nghị định để khỏi làm khổ dân. Để đẩy nhanh việc thanh toán không dùng tiền mặt, một đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng, cần có sự vào cuộc và góp sức của nhiều bộ ngành bởi đây là vấn đề của toàn xã hội. Ví dụ như có thể đề xuất Bộ Công thương quy định cứng tất cả trung tâm mua sắm, nhà hàng đều lắp đặt POS, Bộ Tài chính có chính sách giảm thuế hoặc tương tự để khuyến khích các điểm giao dịch thực hiện thanh toán qua thẻ... Chính ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cũng dự liệu được rằng dự thảo này “sẽ gây ra không ít các phản ứng trái chiều từ xã hội và sẽ ảnh hưởng nhiều hoạt động giao dịch trong nền kinh tế từ đời sống người dân cho tới hoạt động sản xuất kinh doanh”.