Kỳ họp thứ 2 HĐND TP Hà Nội khóa XV:

Không khắc phục vi phạm phòng cháy, doanh nghiệp không được phê duyệt dự án mới

ANTĐ - Đối với việc khắc phục những sai phạm về phòng cháy chữa cháy (PCCC), Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: “Nếu doanh nghiệp không khắc phục, chúng tôi sẽ cưỡng chế bằng các hình thức giống như đối với dự án nhà số 8B Lê Trực. Thành phố sẽ bỏ tiền thuê các công ty khắc phục, sau đó doanh nghiệp phải hoàn trả”.

Không khắc phục vi phạm phòng cháy, doanh nghiệp không được phê duyệt dự án mới ảnh 1Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định sẽ không phê duyệt các dự án mới của các chủ đầu tư vi phạm PCCC nhưng không khắc phục

Sau phần chất vấn trực tiếp tại hội trường, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Nguyễn Đức Chung đã phát biểu giải đáp thêm các vấn đề mà đại biểu và cử tri quan tâm.

Liên quan tới vấn đề PCCC, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ ra rằng: “Những tồn tại liên quan tới PCCC, liên quan tới các tòa nhà không được kiểm định, an toàn PCCC, thậm chí trong thời gian vừa qua có những tòa nhà bị cháy gây ra hậu quả chết người cũng như thiệt hại tài sản rất lớn. Trước tiên, trách nhiệm đó thuộc UBND TP Hà Nội. Tại các tòa nhà có trách nhiệm liên đới của Công ty TNHH một thành viên Quản lý phát triển nhà Hà Nội, chất lượng quản lý nhiều năm qua ở mức rất thấp”.

Cũng theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, chủ đầu tư phải có trách nhiệm nhưng quản lý, giám sát, phê duyệt phải có trách nhiệm của Cảnh sát PCCC.

Người đứng đầu UBND TP Hà Nội nêu quan điểm: “Thành phố luôn kêu gọi doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn, nhưng chúng tôi chỉ khuyến khích những doanh nghiệp làm ăn chân chính, đúng pháp luật chứ không ủng hộ làm sai”.

Có những chủ đầu tư có hàng loạt công trình sai phạm về PCCC. Theo ông Nguyễn Đức Chung: “Điều này là không thể chấp nhận được”. Về hướng khắc phục trong thời gian tới, Chủ tịch UBND TP cho biết: “Cảnh sát PCCC sẽ tiếp tục phải thanh tra, kiểm tra. Thứ hai liên quan tới việc phê duyệt, vừa làm sao cải cách hành chính nhưng vừa phải đúng thủ tục”.   

Cũng liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Đức Chung nêu ra một vấn đề mà dư luận đang đặt ra, đó là: “Dư âm đâu đó, người ta đang nói câu chuyện liệu Cảnh sát PCCC có “sân sau” hay không? Có chuyện người thân, người quen bán thiết bị nên khi các chủ doanh nghiệp chây ỳ thì không nói được hay không? Tôi đề nghị Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội cho kiểm tra lại thông tin này. Nếu có phải khắc phục”.

Chủ tịch UBND TP khẳng định: “Thành phố sẽ quyết liệt yêu cầu các doanh nghiệp khắc phục. Nếu doanh nghiệp không khắc phục, chúng tôi sẽ cưỡng chế bằng hình thức giống như đối với dự án nhà số 8B Lê Trực. Đó là thành phố bỏ tiền thuê các công ty khác khắc phục, sau đó doanh nghiệp sẽ phải hoàn trả”.

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Đức Chung: “Chắc chắn thành phố sẽ áp dụng được biện pháp có trong tay là không phê duyệt các dự án tiếp theo”. 

Giải đáp thêm các vấn đề mà đại biểu và cử tri quan tâm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, toàn bộ việc trồng mới cây xanh tại các dự án, tuyến đường mới và trong các khu đô thị là do các chủ đầu tư tự làm, không thông qua cơ quan quản lý về mặt chất lượng. Do đó, từ năm ngoái tới nay và qua cơn bão số 1 mới đây, đã xuất hiện hình ảnh cây xanh bị bật gốc với phần rễ còn bị bọc ni-lon. “Những cây đó không thể phát triển được và chắc chắn sẽ đổ hoặc chết”, Chủ tịch UBND TP nói. 

Để quản lý về mặt chất lượng cây xanh, thành phố đã tái cơ cấu lại Công ty TNHH Một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội. "Đây sẽ là đầu mối quản lý toàn bộ chất lượng cây xanh. Nhân viên của công ty cũng được đi học tập kinh nghiệm của các chuyên gia tại nước ngoài", ông Nguyễn Đức Chung chia sẻ.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, trong 7 tháng vừa qua, thành phố đã cắt tỉa được hơn 30.000 cây. Những khu vực được cắt tỉa cẩn thận thì số lượng cây đổ trong cơn bão mới đây là rất ít. Tuy nhiên, tốc độ cắt tỉa cũng chưa đáp ứng kịp do nhiều năm qua chưa cắt tỉa toàn diện.

Với chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh, nhiều ý kiến thắc mắc sẽ trồng ở đâu? Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nêu rõ, sẽ trồng tại 10 quận nội thành và trồng lại trên các tuyến phố cũ với số lượng hơn 60.000 cây xanh. Cùng với đó, thành phố sẽ trồng trên các tuyến phố mới, các đại lộ, trường học, các khu đô thị, công viên, trồng rừng và khuyến khích người dân trồng tại nhà riêng.

“Với diện rộng như vậy, sẽ đảm bảo trồng chỉ tiêu trồng 1 triệu cây xanh. Chúng ta có công nghệ để đảm bảo trồng cây trong mùa hè vẫn sống”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói.