Không hề vô cảm

ANTĐ - Ngày 14-6, tại Hà Nội đã diễn ra lễ tôn vinh 100 người hiến máu tình nguyện tiêu biểu trên cả nước trong năm 2013. Chị Nguyễn Hồng Hạnh, sinh viên một trường Đại học xúc động khi được nghe những câu chuyện hiến máu mang đậm tính nhân văn.

- Câu chuyện nào khiến chị thấy cảm động nhất?

- Câu chuyện của Phó Giám đốc Trung tâm Huyết học và truyền máu tỉnh Khánh Hòa chia sẻ về vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra đối với xe chở gần 30 học sinh và giáo viên tiểu học của Đà Nẵng (đâm vào vách núi ở đèo Hòn Giao, tỉnh Khánh Hòa)  đầu tháng 6 vừa qua, khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Khi đó, các bệnh nhân được đưa vào BV cấp cứu và hầu hết đều cần được tiếp máu, thế nhưng cả Trung tâm Huyết học tỉnh chỉ còn 15 đơn vị máu A trong kho. Nhờ sáng kiến lên Facebook kêu gọi hiến máu nhóm O và B truyền cho các nạn nhân, ngay trưa hôm đó, hàng trăm người đã đến hiến máu và đến tối cùng ngày, Trung tâm đã tiếp nhận được 102 đơn vị máu đạt tiêu chuẩn, đủ để truyền cấp cứu cho các bệnh nhân. 

- Nhiều người cho rằng xã hội của chúng ta đang ngày càng “vô cảm”, có lẽ họ sẽ phải thay đổi suy nghĩ khi chứng kiến những hành động như vậy?

- Đúng là có hoạn nạn mới biết, trong xã hội này, mọi người vẫn rất quan tâm đến nhau chứ không hề “vô cảm” với cộng đồng, họ sẵn sàng hiến máu để cứu những người chưa từng quen biết. Đó thực sự là những hành động hết sức cao cả, một trong những nghĩa cử cao đẹp nhất của con người với con người trong xã hội. 

- Làm thế nào để có thể nhân rộng, để tăng cao hơn nữa những hành động cao đẹp nói trên? 

- Tôi nghĩ việc quan trọng nhất là phải để mọi người ý thức được ý nghĩa của hành động nhân văn này và sẵn sàng, tự nguyện tham gia. Muốn vậy, phong trào hiến máu tình nguyện nên tổ chức phong phú hơn, truyền thông mạnh mẽ hơn, nhất là nhấn mạnh để mọi người hiểu rõ hiến máu không chỉ giúp cứu sống người khác mà còn cải thiện sức khỏe của mình, hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe như họ lo lắng.