Chảy máu chất xám trong ngành y (2)

Không hẳn chỉ vì tiền

ANTĐ - Nếu chỉ nhìn nhận ở khía cạnh kinh tế mà vội phán xét rằng, việc các bác sĩ BV công lập đua nhau ra làm cho tư nhân hoặc tìm cách chuyển lên tuyến cao hơn, có lẽ là chưa đủ. Đây là bài toán đòi hỏi một giải pháp mang tính tổng thể.
 

Muốn giữ chân cần tạo điều kiện cho các bác sĩ giỏi phát triển tay nghề



Tăng viện phí có giải quyết vấn đề?

Bộ Y tế lý giải rằng, hiện nay Ngân sách Nhà nước cấp cho các BV công còn rất thấp (40-50 triệu đồng/giường bệnh/năm), chưa bảo đảm chi trả tiền lương theo ngạch bậc, phụ cấp, đóng bảo hiểm. Do đó, hầu hết chi phí để vận hành BV và thực hiện dịch vụ khám chữa bệnh đều phải sử dụng từ nguồn thu viện phí và BHYT. Nếu viện phí tăng lên sẽ tạo điều kiện cho các BV lấy thu bù chi đồng thời gián tiếp cải thiện thu nhập chính đáng cho đội ngũ y bác sĩ trong BV công lập, duy trì và cải thiện điều kiện dịch vụ, trang thiết bị phục vụ điều trị, nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân. Quan trọng hơn, tăng viện phí sẽ giúp các BV công lập tăng tính cạnh tranh với các đơn vị y tế ngoài công lập, giữ chân được các y bác sĩ giỏi.

Thế nhưng có phải toàn bộ bác sĩ bỏ BV công lập ra làm ngoài đều vì mục đích duy nhất là… tiền? PGS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu Trung ương nhìn nhận: “Không phải ai chọn con đường ra đi cũng 100% xuất phát từ lợi ích kinh tế. Điều quan trọng nhất là tạo cho mỗi nhân viên những cơ hội phấn đấu, môi trường làm việc tốt nhất trong điều kiện có thể, để họ có thể phấn đấu hết sức mình cho sự thành đạt của họ. Khi làm được điều đó, thì đã nắm giữ được trái tim của người cán bộ y tế và họ không thể dễ dàng ra đi”.

Tương tự, theo phân tích của bác sĩ Nguyễn Thành Phúc, Phó Giám đốc BV Đa khoa Hậu Giang thì có 2 lý do để các bác sĩ trong BV công lập bỏ BV ra đi tìm cơ hội mới. Thứ nhất là thu nhập. Thứ 2 là do cơ chế của BV, của ngành y tế. Cụ thể, một số BV chưa có chuyên khoa sâu để một bác sĩ được đào tạo về chuyên khoa sâu trong lĩnh vực nào đó phát huy hết tay nghề của mình hoặc không có các trang thiết bị cần thiết, cơ chế cần thiết để tạo điều kiện nâng cao tay nghề cho bác sĩ. 

Mặt khác, ngay cả khi tăng viện phí thì một số BV chuyên khoa ít “màu mỡ” vẫn khó tuyển bác sĩ. Tại Hội nghị sơ kết công tác y tế của ngành y tế Hà Nội 6 tháng đầu năm 2011, lãnh đạo nhiều BV chuyên ngành của thành phố như BV 09 (chuyên điều trị HIV), BV Tâm thần Hà Nội, BV Mắt Hà Đông, Trung tâm Pháp y Hà Nội, Trung tâm Lao & Bệnh phổi Hà Đông… cho biết họ đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu thầy thuốc, lý do là mức hỗ trợ cho cán bộ y tế ở các đơn vị đặc thù này quá thấp, trong khi nếu làm việc tại BV đa khoa hoặc BV khác “màu mỡ” hơn, thu nhập của bác sĩ sẽ chênh lệch rất lớn.

Đau đầu giải pháp

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức từng nói: “Nếu chúng tôi được phép thu phí dịch vụ cao xứng đáng thì nhân viên của chúng tôi sẵn sàng đi lùi từng bước để tiếp đón bệnh nhân”. Nhưng cũng theo ông Quyết, nhờ phát huy hiệu quả các biện pháp xã hội hóa y tế, phát triển dịch vụ y tế chất lượng cao đã giúp thu nhập của cán bộ nhân viên y tế trong BV Việt Đức được nâng cao rõ rệt, đặc biệt là tạo điều kiện tối đa cho các bác sĩ giỏi phấn đấu, cống hiến, phát triển tay nghề… nên ít khi có chuyện bác sĩ trong BV này xin nghỉ việc để ra làm ngoài. Tất nhiên so sánh giữa BV Việt Đức với các BV khác là điều… vô cùng, song đây cũng có thể là một mô hình để các BV, ít nhất là các BV tuyến Trung ương khác có trình độ kỹ thuật tương đương có thể tham khảo, áp dụng.

Bản thân Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nhấn mạnh, việc điều chỉnh viện phí cần căn cứ trên 6 tiêu chí, trong đó quan trọng nhất là đổi mới cơ chế tài chính phải tạo điều kiện cho các cơ sở y tế công lập phát triển, giúp hệ thống y tế công lập giữ vai trò chủ đạo đồng thời tạo thu nhập hợp pháp ngoài lương cho cán bộ y tế trong các BV công, nhằm khiến họ yên tâm công tác, cống hiến. Điều quan trọng không kém nữa là đổi mới cơ chế tài chính y tế công phải được sự đồng thuận của nhân dân. Không ít chuyên gia trong lĩnh vực y tế thẳng thắn chỉ ra, người dân nước ta đã quá quen với tư tưởng được bao cấp về y tế, nhưng cũng chính họ lại sẵn sàng bỏ rất nhiều tiền để điều trị tại BV, phòng khám tư mà không phàn nàn. Cứ đà này, khi các BV tư phát triển mạnh, đặc biệt nếu họ được điều trị BHYT thì cuộc đấu tranh giữa y tế công - tư sẽ thực sự khắc nghiệt.

Một vấn đề nữa cần giải quyết, đó là việc quản lý chặt nhân lực ngành y ngay từ đầu vào và trong suốt quá trình đào tạo. Một số chuyên gia nêu ý kiến, đối với hình thức đào tạo theo địa chỉ, ngoài việc ký cam kết giữa gia đình và UBND tỉnh, các trường đại học không nên trao bằng và chứng chỉ trực tiếp cho sinh viên mà gửi về cho UBND tỉnh quản lý tránh tình trạng các em không quay trở về địa phương làm việc...