Không gian sáng tạo nào cho người dân Hà Nội?

ANTD.VN - Tại hội thảo “Phát huy những tiềm năng, thế mạnh của các không gian sáng tạo trong việc phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô thời kỳ hội nhập và phát triển”, các đại biểu đã thống nhất về vai trò của các không gian sáng tạo sẽ là nơi chốn thiết yếu của người dân Hà Nội. Hội thảo do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, diễn ra vào sáng ngày 11/10 tại Hà Nội.

Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng các không gian sáng tạo trên cả nước với sự xuất hiện của Hanoi Creative City, Heritage space, The Vuon… Con số ước tính 140 không gian sáng tạo chắc hẳn sẽ không dừng lại với tốc độ đô thị hóa như hiện nay của Thủ đô.

Để đưa ra một khái niệm cơ bản nhất về không gian sáng tạo, nhà báo Trương Uyên Ly cho rằng, nhìn từ bên ngoài, không gian sáng tạo như một phòng tranh, quán cà phê, địa điểm chiếu phim, một cụm các cửa hàng, một trang web, một trung tâm dạy học... Còn bên trong, đó là nơi những người sáng tạo gặp nhau một cách có tổ chức và chủ động nhằm tạo điều kiện cho sự sáng tạo nảy nở. Người tham dự kết nối, chia sẻ, cùng nhau tìm tòi, thử nghiệm và thực hiện các cách làm, những hình thức mới, giá trị mới.

Không gian sáng tạo Hanoi Creative City

Chính vì thế, bên cạnh các lợi ích như tạo thêm nhiều công ăn việc làm mới, cải thiện bộ mặt thành phố, cung cấp cho người tham dự nhiều kỹ năng mới, kiến thức mới …. thì giá trị tinh thần do các không gian sáng tạo mang lại cho người dân không thể đo đếm một cách cơ học như: chỉ số về hạnh phúc của các cá nhân, giúp cuộc sống của mỗi người góp mặt trở nên tốt đẹp hơn…

Do vậy, đa số các ý kiến đều cho rằng, với sự thu hẹp các không gian công cộng, nơi sinh hoạt chung thì sự xuất hiện của các không gian sáng tạo sẽ trở thành những địa điểm thiết yếu trong đời sống văn hóa của người dân đô thị, đặc biệt là giới trẻ.

Dù là phần không thể thiếu của Hà Nội trong sự phát triển của Thủ đô nhưng quá trình vận hành các không gian sáng tạo này đang còn tồn tại nhiều hạn chế như: phần lớn các không gian sáng tạo đều hoạt động nhờ sự nhiệt tình của các sáng lập viên và các cộng sự, hoạt động chuyên môn của các địa điểm văn hóa này không có hoặc có rất ít lợi nhuận.

Hơn thế, các không gian sáng tạo lại hầu như hoạt động riêng rẽ, độc lập, ít có mối liên hệ với nhau, đặc biệt trong hoạt động chuyên môn. Vì thế, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch CLB Doanh nhân Sáng tạo cho rằng, hoạt động của các không gian sáng tạo còn èo uột, những địa điểm còn duy trì hoạt động đến ngày hôm nay đã là sự may mắn.

Do các không gian sáng tạo vẫn còn mới mẻ tại Việt Nam nên không có một tư cách pháp nhân cụ thể cho các không gian này.

Nhiều không gian đã phải vất vả để hoàn thành cả sứ mệnh kinh doanh và sứ mệnh cộng đồng. Mô hình không gian sáng tạo tuy rất quan trọng và đang tạo ra các tác động hết sức tích cực nhưng lại còn non yếu, vì thế cần được hỗ trợ và khuyến khích một cách cởi mở với sự hiểu biết và trân trọng được xây dựng từ hai phía, phía chính quyền và phía chủ không gian sáng tạo.

Các ý kiến cho rằng, về phía chính quyền, thành phố nên có sự hỗ trợ về mặt bằng không gian, giúp làm gọn và tăng hiệu quả các thủ tục cấp phép, hỗ trợ về chính sách, về ưu đãi thuế, khuyến khích các doanh nghiệp lớn tham gia hỗ trợ các không gian sáng tạo bằng cách chia sẻ nguồn lực, cơ hội, kiến thức, kỹ năng… Còn về phía chủ các không gian sáng tạo cần năng động hơn để tạo nên sự liên kết giữa các không gian sáng tạo với nhau, tạo ra các hoạt động gắn kết các cá nhân và sinh lợi nhuận…

Ông Nguyễn Văn Phong, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, , Hà Nội đã xây dựng chương trình khởi nghiệp với kế hoạch hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là người trẻ trong lĩnh vực công nghệ có sáng kiến, ý tưởng phù hợp. Về không gian phát triển văn hóa, Hà Nội đang phấn đấu từ nay đến năm 2020 sẽ có thêm khoảng 25 công viên mới, trong đó dự tính dành ra các không gian để trưng bày, giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật sáng tạo của văn nghệ sỹ Hà Nội.

Các không gian sáng tạo là nơi người dân có thể vui chơi, học tập, tham gia các hoạt động văn hóa, giải trí

Cùng với đó, Hà Nội cũng đã tính toán để mở thêm nhiều không gian phố đi bộ, đưa thêm nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật nhằm nâng cao đời sống tinh thần cũng như thúc đẩy, truyền cảm hứng sáng tạo mạnh mẽ hơn nữa trong cộng đồng.

Cũng theo Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Nguyễn Văn Phong, đề án “Đề xuất các giải pháp xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Hà Nội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” đã xác định một trong những ngành mũi nhọn trong việc phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Hà Nội là phát triển các không gian văn hóa.

Để thực hiện được điều này, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp, áp dụng vào điều kiện thực tiễn của các ngành nghề, lĩnh vực trên địa bàn Thủ đô. Hướng tới mục tiêu trở thành một trong bat rung tâm công nghiệp văn hóa lớn của cả nước, xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo cũng như giành vị trí quan trọng trong lĩnh vực này trên khu vực cũng như châu Á.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội bày tỏ mong muốn sẽ có thêm nhiều cá nhân, tổ chức tích cực tham gia lĩnh vực còn mới mẻ là phát triển không gian sáng tạo, góp phần tái tạo, làm mới, thêm sức sống, bản sắc mới cho Hà Nội.