Không gian nghệ thuật công cộng góp phần tạo sinh kế và phát triển kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Không gian nghệ thuật công cộng là dành cho người dân. Không chỉ vậy, nó còn mang lại lợi ích kinh tế, góp phần phát triển du lịch địa phương.
Phố bích họa Phùng Hưng thu hút đông đảo người dân tới tham quan

Phố bích họa Phùng Hưng thu hút đông đảo người dân tới tham quan

Xây dựng các không gian đáng sống

Hà Nội không phải là địa phương đầu tiên đưa nghệ thuật công cộng vào thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch. Làng bích họa Tam Thanh thuộc thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) là địa phương đi đầu trong phong trào này. Dự án đã giúp làng chài hoang sơ thành làng bích họa đầu tiên ở Việt Nam, đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan, tạo thêm sinh kế cho người dân.

Nối tiếp phong trào này là quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã triển khai thực hiện 2 dự án nghệ thuật công cộng Phùng Hưng và Phúc Tân trong nỗ lực thúc đẩy kinh tế du lịch khu vực Phố cổ cùng với sáng kiến phố đi bộ Bờ Hồ. Cả 2 dự án nghệ thuật nói trên đã phát huy được vai trò của nghệ thuật trong việc kết nối du khách và mang lại nguồn thu cho người dân và thành phố. Từ một khu vực nhếch nhác, thì nay đã hoàn toàn thay đổi diện mạo. Phố bích họa Phùng Hưng đã trở thành địa điểm “check in” và tham quan của du khách mỗi khi tới Hà Nội và vào các dịp cuối tuần, ngày lễ.

Đây cũng là địa điểm người dân ôn lại ký ức về Hà Nội một thời đã qua. Còn dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân đã làm thay đổi một khu vực trước đây rất ít người dám đặt chân tới. Những tác phẩm nghệ thuật này đã biến bức tường hành lang bờ vở sông Hồng, một nơi được coi là “mặt sau” của thành phố bởi ô nhiễm, giờ trở nên đẹp đẽ và cách người dân đối xử với nó cũng khác.

Không ai vứt rác ở đó nữa, người ta bảo nhau: “Đẹp nên phải giữ gìn”. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế, một thành viên của dự án nghệ thuật Phúc Tân cho biết, sau một thời gian dài giãn cách vì Covid-19, anh đã trở lại Phúc Tân. Mọi người đi tập thể dục, trò chuyện với nhau trong không gian của các tác phẩm được hoàn thành trước đó. Với bà con Phúc Tân, dự án nghệ thuật này đem đến một không gian sống lành mạnh, tươi sáng, cho lũ trẻ “bờ vở” có thêm nhiều hy vọng vào ngày mai tươi đẹp.

Đề xuất các biện pháp thúc đẩy phát triển nghệ thuật công cộng

Bà Trần Thúy Lan - Phó trưởng Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội cho biết, tại các không gian nghệ thuật công cộng này đã diễn ra các hoạt động như Tết Trung thu, là địa điểm tổ chức các hoạt động làng nghề truyền thống, làm nơi trưng bày sản phẩm, giới thiệu nghệ thuật thư pháp… thu hút đông đảo học sinh, sinh viên và du khách. Điều đó nói lên rằng, nghệ thuật không đứng ngoài vòng xoay của kinh tế. Chỉ có điều, chính quyền sẽ khai thác lợi thế của nghệ thuật ra sao?

Nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thế Sơn, người đóng vai trò tích cực trong 2 dự án nghệ thuật Phùng Hưng và Phúc Tân cho biết, tác dụng của các không gian nghệ thuật cộng cộng mang lại cho đời sống người dân không thể phủ nhận, đóng góp tích cực vào phát triển du lịch, song các dự án nghệ thuật công cộng tại Hà Nội còn khá khiêm tốn. Bản thân các dự án nghệ thuật công cộng gần đây thực hiện được cũng phải trải qua vô vàn khó khăn trở ngại và hoài nghi từ đủ các phía. Để có thể phát triển các thực hành nghệ thuật công cộng, nghệ thuật đường phố như nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, cần phải có những thay đổi căn bản về mặt tư duy và phương pháp tiếp cận với loại hình nghệ thuật này ở tất cả các yếu tố liên quan.

Đầu tiên và quan trọng nhất đó là sự thay đổi từ phía chính quyền, để văn hóa nghệ thuật nói chung, nghệ thuật công cộng nói riêng trở thành mục tiêu phát triển, cũng như một chất xúc tác cần thiết để xây dựng một đô thị văn hoá như trong cam kết Hà Nội tham gia vào chuỗi các thành phố sáng tạo trên thế giới. Cụ thể như những chính sách tiếp cận nguồn ngân sách, hay những cơ chế miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho những công ty, tổ chức tài trợ cho các hoạt động trong chuỗi sáng tạo.

Chưa kể những chính sách kiểm duyệt văn hóa cũng cần cởi bỏ linh hoạt. Cần khuyến khích các cơ sở đào tạo nghệ thuật, thiết kế, kiến trúc… các trung tâm nghệ thuật liên kết hỗ trợ nguồn nhân lực. Có nghĩa là chính quyền cần phải chuyển từ thế bị động sang thế chủ động, đồng hành và hỗ trợ khuyến khích các hoạt động sáng tạo. Chỉ cần lắng nghe các ý kiến của các chuyên gia, những người thực hành chuyên nghiệp trong lĩnh vực này thì sẽ tìm được tiếng nói chung để tìm ra những giải pháp phát triển nghệ thuật công cộng, nghệ thuật đường phố ở các đô thị.