Không được lơ là với lạm phát

ANTĐ - “Các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt kiềm chế lạm phát ngay từ tháng 1-2013”. Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị trực tuyến triển khai nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế xã hội năm 2013 giữa Chính phủ với các địa phương, ngày 26-12.

Nhìn lại năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, dù gặp nhiều khó khăn hơn so với dự báo nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng GDP 5,03%, lạm phát ở mức 6,81% là một thành tích đáng kể. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều hạn chế yếu kém. Cụ thể, tuy lạm phát kiềm chế ở mức thấp nhưng chủ yếu nhờ vào giảm giá lương thực, thực phẩm nên sức ép lạm phát cao quay trở lại là rất lớn. Kinh tế vĩ mô cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố chưa bền vững. 

Hướng tới năm 2013, Thủ tướng chỉ đạo, phải ưu tiên tập trung  ổn định kinh tế vĩ mô, đưa lạm phát thấp hơn năm 2012, đồng thời duy trì tăng trưởng ở mức cao hơn năm 2012. Do giá cả thường tăng cao chủ yếu trong những tháng đầu năm, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quyết liệt kiềm chế lạm phát ngay từ tháng 1-2013, giao Thống đốc Ngân hàng nhà nước có chính sách tiền tệ phù hợp để đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm ở mức 6-6,5%. Bên cạnh đó, không để tình trạng thiếu hàng, sốt giá, găm hàng, đẩy giá lên cao, phát huy tốt hơn nữa cơ chế bình ổn giá.

Để thực hiện mục tiêu năm 2013 tăng trưởng kinh tế cao hơn, kiềm chế lạm phát thấp hơn năm 2012, Thủ tướng yêu cầu, các địa phương phải xác định đúng lợi thế của từng sản phẩm, từng ngành. Từ đó, có cơ chế chính sách ưu đãi về đất đai, vốn... để đẩy mạnh thành sản phẩm vượt trội mang tính chất quốc gia như sản phẩm cá tra của đồng bằng sông Cửu Long. Thủ tướng nhắc nhở, cần đẩy mạnh cải cách để tranh thủ thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có chọn lọc về chất lượng, coi đó là nguồn lực để chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Trong đó, cần lưu ý thực hiện các biện pháp phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn tín dụng với lãi suất hợp lý để phát triển sản xuất kinh doanh; ưu tiên vốn tín dụng cho sản xuất hàng xuất khẩu, nông nghiệp; tăng hạn mức tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn...