Tranh chấp về mức thu phí quản lý tại chung cư Keangnam, Hà Nội:

Không được cắt dịch vụ thiết yếu trong mọi trường hợp

ANTĐ - Sau khi Báo ANTĐ đăng bài: “Sự an toàn của cư dân Keangnam bị đe dọa” chiều 6-12, tại UBND huyện Từ Liêm đã diễn ra cuộc họp giữa các cơ quan chức năng và các bên có liên quan nhằm giải quyết những khúc mắc giữa người dân và chủ đầu tư về mức thu phí quản lý…

Người dân tụ tập phản đối việc cắt điện, thang máy ngày 3-12


Nhiều khoản chi khó hiểu…

Cuộc họp được tổ chức với sự tham gia của đại diện Sở Tài chính,  Sở Xây dựng, UBND huyện, CAH Từ Liêm, UBND xã Mễ Trì, Công ty TNHH một thành viên Keangnam Vina, Ban đại diện lâm thời khu dân cư Keangnam. Mở đầu cuộc họp, bà Trịnh Thị Mai - Trưởng ban đại diện lâm thời khu chung cư Keangnam phát biểu: “Đến thời điểm này, chúng tôi đã gửi đơn thư khiếu nại đến các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng và cả đàm phán nhiều lần với chủ đầu tư để thống nhất một mức giá hợp lý đối với phí quản lý chung cư nhưng đã thất bại. Mặc dù, người dân rất muốn đóng phí nhưng đại diện Công ty Keangnam Vina buộc cư dân phải đóng phí là 18.843 đồng/m2/tháng (đã bao gồm VAT), cao gấp 4,6 lần mức phí mà thành phố quy định. Chúng tôi đã trực tiếp hỏi Công ty Keangnam thì họ trả lời rằng: “Công ty không thể công khai mức phí này vì đó là bí mật kinh doanh”. Không những thế, họ đã kê khai nhiều khoản chi cao một cách bất hợp lý, như: Phí hỗ trợ công việc là 168 triệu đồng, phí khấu hao hệ thống trang thiết bị trung tâm lên tới gần 3,5 tỷ đồng/năm, bảo hiểm PCCC là hơn 2 tỷ đồng/năm… Tất cả các khoản phí này “bổ” vào đầu cư dân là điều rất phi lý”.

Cũng theo bà Mai, Công ty Keangnam đã vi phạm hợp đồng mua bán căn hộ, vi phạm Quyết định 4520 của UBND TP Hà Nội về mức phí quản lý nhà chung cư. Khi người dân thỏa thuận với công ty về mức phí này thì họ không chấp thuận và cắt toàn bộ hệ thống thang máy, cô lập mọi sinh hoạt của người dân. Phi lý ở chỗ, Công ty Keangnam lý giải việc họ thu phí dịch vụ cao hơn so với quy định của thành phố là bởi quy định của họ ra đời trước. Bên cạnh đó, nhiều sự việc khác diễn ra tại chung cư này cũng khiến người dân bất bình như ngày 19-11, đơn vị quản lý đã sử dụng diện tích công cộng ở sân vườn tầng 5 vào mục đích kinh doanh mà không có sự đồng ý của cư dân. Nguyện vọng của người dân là mong có cuộc sống yên ổn, đảm bảo an toàn trong khu dân cư. Được biết, hiện tại một số chung cư cao cấp như The Manor có mức phí dịch vụ là 7.000 đồng/m2 (năm 2010) với diện tích rộng hơn và chỉ có 300 căn hộ, khu chung cư Ciputra cũng chỉ có mức phí là 6.300 đồng/m2.

Công ty đang vận hành trong trạng thái… lỗ?!

Trước những ý kiến  trên, ông Ha Jong Suk - Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Keangnam Vina cho rằng: “Thông thường, các khu căn hộ ngay từ khi vận hành đều phải đóng phí nhưng từ tháng 3 đến tháng 7, Công ty Keangnam quyết định không thu phí của cư dân. Hiện nay, cư dân đã thanh toán 3 tháng tiền phí dịch vụ là tháng 8, 9, 10. Đến nay, Keangnam đã yêu cầu cư dân đóng những tháng tiếp theo nhưng nhiều hộ vẫn chưa thanh toán. Trong tháng 11, đơn vị quản lý đã phải trả gần 800 nghìn USD cho các dịch vụ trong khi chỉ thu khoảng 300 nghìn USD từ người dân. Do đó đơn vị quản lý đang vận hành trong trạng thái lỗ. Tháng 9-2011, UBND thành phố ra quyết định đưa ra mức giá sàn cho các khu chung cư. Với mức giá 4.000 đồng/m2, công ty không thể vận hành được.

Ông Ha Jong Suk cũng khẳng định: “Công ty Keangnam luôn đặt quyền lợi của người dân lên hàng đầu. Công ty đề nghị người dân tạm thời đóng mức phí hơn 17.000 đồng/m2 trong vòng 2 tháng. Trong thời gian đó, cư dân có quyền lựa chọn đơn vị quản lý khác để thay thế. Do Ban đại diện chung cư hiện nay là BĐD lâm thời nên chúng tôi sẽ tổ chức hội nghị chung cư để thành lập Ban quản trị chính thức. Để tránh mọi bất đồng, phát sinh đề nghị cư dân tạm thời đóng phí để cho việc vận hành tòa nhà được bình thường. Quan điểm của Công ty TNHH một thành viên Keangnam Vina là sẽ tuân thủ mọi ý kiến chỉ đạo từ phía cơ quan chức năng của Việt Nam”.

Ông Đào Tăng Quýnh - Chủ tịch UBND xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm cho rằng: “Sau khi xảy ra tình trạng lộn xộn tại khu dân cư Keangnam do đơn vị quản lý hạn chế quyền đi thang máy của người dân, đích thân tôi đã trực tiếp xuống địa bàn kiểm tra nắm tình hình. Chưa cần biết bên nào đúng, sai song dù là người Việt Nam hay người nước ngoài khi sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam đều phải chấp hành theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam. Khu chung cư Keangnam là một trong những chung cư hiện đại vào bậc nhất Hà Nội. Nếu Công ty TNHH một thành viên Keangnam Vina cho rằng mức phí dịch vụ chung cư mà UBND thành phố đưa ra tại Quyết định 4520 là không phù hợp thì cần ngồi lại bàn bạc với cư dân để tìm tiếng nói chung, không nên có những việc làm trái quy định, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân”… Về phía Sở Xây dựng Hà Nội, đại diện Sở này đã nêu ý kiến một cách ngắn gọn: “Đơn vị quản lý chung cư Keangnam không được cắt các dịch vụ thiết yếu của người dân, cần sớm công khai các khoản thu-chi để người dân được biết”…

Có mặt tại cuộc họp, đại diện Sở Tài chính Hà Nội cho biết, căn cứ trên các văn bản pháp luật hiện hành, giá dịch vụ nhà chung cư do UBND tỉnh, thành phố quyết định. Mọi doanh nghiệp phải chấp hành quy định này. Theo Quyết định 4520 của UBND thành phố Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 3 loại chung cư với 3 mức phí dịch vụ khác nhau. Chung cư Keangnam thuộc loại thứ 3 với mức thu phí tối đa 4.000 đồng/m2/tháng, trong đó không bao hàm một số dịch vụ như internet, truyền hình cáp, bể bơi, phòng tập thể dục, sân tennis… Với những dịch vụ không có trong danh mục thì hai bên tự thỏa thuận về giá. Với các dịch vụ thiết yếu, đơn vị quản lý Keangnam không thể thu phí cao hơn mức do UBND thành phố quy định và không được cắt các dịch vụ đó trong bất cứ trường hợp nào. Mặt khác, theo Quyết định 37, đơn vị này có thể sử dụng các nguồn thu khác để bù vào khoản phí vận hành chung cư…

Kết luận cuộc họp, ông Lê Văn Thư - Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm nói: Thời gian qua, việc thỏa thuận giữa nhà đầu tư, đơn vị cung cấp dịch vụ và khách hàng là sự tự thỏa thuận, không thông báo cho UBND xã Mễ Trì và huyện Từ Liêm được biết. Hiện UBND huyện Từ Liêm đã nhận được kiến nghị của cư dân Keangnam và Công ty TNHH một thành viên Keangnam Vina. Những kiến nghị này sẽ được các cơ quan chức năng của Việt Nam xem xét giải quyết trong thời gian tới. Việc giải quyết tranh chấp sẽ tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam. Trong quá trình giải quyết, UBND huyện đề nghị các bên liên quan cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu cho cơ quan chức năng. Người dân muốn được hưởng dịch vụ tương ứng với chi phí mà họ bỏ ra, còn chủ đầu tư khi kinh doanh mong muốn có lợi ích. Do đó, trong trường hợp này, sự hợp tác thiện chí của hai bên là rất cần thiết vì cả hai đều cần có nhau. Trong thời gian chờ giải quyết tranh chấp, đề nghị Công ty TNHH một thành viên Keangnam Vina phải cung cấp những dịch vụ thiết yếu phục vụ sinh hoạt của cư dân.

Thượng tá Phạm Ngọc Kim - Phó Trưởng CAH Từ Liêm: “CAH Từ Liêm là cơ quan có chức năng  quản lý Nhà nước về an ninh trật tự trên địa bàn huyện. Nhưng sự việc vừa rồi cho thấy, đơn vị quản lý chung cư Keangnam đã chưa thật sự hợp tác với chính quyền địa phương, CAH trong việc giải quyết những mâu thuẫn phát sinh với người dân tại khu vực này. Bên cạnh đó, để đảm bảo việc chấp hành pháp luật tại đây, trong thời gian tới, chủ đầu tư Keangnam phải báo cáo kịp thời tới cơ quan chức năng những vụ việc phức tạp phát sinh, tổ chức Hội nghị chung cư để bầu ra Ban Quản trị theo đúng quy định, hợp tác trong việc khai báo tạm trú tạm vắng cho người dân theo Luật Cư trú (hiện mới có 17/924 người dân sống tại đây đăng ký HKTT tại huyện Từ Liêm). Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND huyện trong việc thành lập tổ dân phố chính thức để bảo vệ quyền lợi người dân tại khu dân cư Keangnam”... 

Tin cùng chuyên mục