Không được bao che, dung túng cho hành vi buôn lậu, gian lận thương mại

ANTĐ - Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc sáng 14-8 với UBND TP Hà Nội về vấn đề này.

Ngăn chặn hàng lậu, bảo vệ sản xuất trong nước

Theo báo cáo của lực lượng chức năng, trên địa bàn thành phố Hà Nội, từ ngày 25-12-2013 đến 25-7-2014, lực lượng này đã kiểm tra 19.960 vụ, xử lý 9.414 vụ, đạt 90% so với cùng kỳ năm 2013; Khởi tố hình sự 31 vụ với 34 bị can. Tổng số tiền phạt hành chính, thu ngân sách, tịch thu hàng hóa lên tới 1.283,6 tỷ đồng. Hàng hóa vi phạm chủ yếu là quần áo, giày dép, bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá, thực phẩm…

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương Hà Nội đã xử lý nghiêm túc nhiều vụ việc liên quan đến kinh doanh trái phép, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Giám đốc CATP Hà Nội, Hà Nội vừa là nơi sản xuất, vừa là nơi trung chuyển của hàng lậu, hàng giả. Hàng lậu được đưa vào Hà Nội tiêu thụ hoặc vận chuyển tiếp vào phía Nam qua 5 tuyến: Quảng Ninh - Hà Nội; Lạng Sơn - Hà Nội; Cao Bằng - Hà Nội; Lào Cai - Hà Nội và vận chuyển hoa quả, hàng hóa từ Thái Lan, qua miền Trung về Hà Nội tiêu thụ.

Các đối tượng buôn lậu thường hình thành nhóm vận chuyển đến cửa hàng tiêu thụ ở chợ Đồng Xuân, chợ Ninh Hiệp và gọi thẳng phía Trung Quốc đặt hàng, rồi chuyển về nội địa theo đường sắt hoặc chuyển phát nhanh. Đáng chú ý là có những công ty chuyển phát nhanh được thành lập chuyên vận chuyển hàng lậu.

Nắm được thủ đoạn hoạt động của các đối tượng, lực lượng liên ngành mà trực tiếp là CATP Hà Nội đã tiến hành nhiều biện pháp ngăn chặn. Từ đầu tháng 7-2014, CATP Hà Nội đã có kế hoạch chống hàng lậu, gian lận thương mại tại chợ Đồng Xuân và Ninh Hiệp.

Qua công tác đấu tranh, hiệu quả chống hàng lậu, gian lận thương mại đạt được tích cực. 6 tháng đầu năm nay, các hộ kinh doanh ở chợ Đồng Xuân nộp thuế cho Chi cục Thuế Hoàn Kiếm trên 30 tỷ đồng, chợ Ninh Hiệp nộp hơn 8 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Hàng Trung Quốc tại các chợ này giảm và hàng sản xuất trong nước tăng lên.

Dự báo từ nay đến cuối năm, tình hình buôn lậu và gian lận thương mại diễn biến phức tạp ở tất cả các nhóm hàng hóa: đặc biệt là mũ bảo hiểm, thực phẩm chức năng, vải, quần áo, nông sản… nên lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Giám đốc CATP đề xuất, nên tổ chức đấu giá sớm hàng hóa tịch thu được để vừa đảm bảo giá trị hàng hóa, vừa đỡ tốn kém cho công tác bảo quản. Bên cạnh đó, cần quản chặt doanh nghiệp qua hóa đơn đầu vào, đầu ra để phát hiện vi phạm kịp thời.

Đánh giá cao công tác chống buôn lậu của các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố Hà Nội, Trung tướng Nguyễn Tiến Lực - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (Bộ Công an) nói: “Hoạt động của các lực lượng chống buôn lậu trên địa bàn Thủ đô tốt, nhưng cần có thêm sự phối hợp giữa các địa phương vì buôn lậu diễn ra trên toàn tuyến, riêng 1 địa phương khó mà giải quyết được”. Bên cạnh đó, cần tăng cường hoạt động của lực lượng chức năng ở cơ sở.

Tán thành đề xuất của Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc CATP Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu: “Tôi nhất trí với phương án đấu giá hàng tịch thu được, nhưng cần phân loại từng mặt hàng có thể đấu giá luôn hay không. Hà Nội cũng nên tập trung quản lý thị trường ở cả đầu ra bệnh cạnh việc quản chặt hàng lậu từ biên giới; mở rộng ký cam kết không kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng với cả nhà sản xuất và hộ kinh doanh”.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao nhiệm vụ cho Hà Nội phải tập trung hơn nữa để đấu tranh chống hành vi gian lận thương mại, gây ảnh hưởng tới sản xuất trong nước. “Không được bao che, dung túng cho vi phạm và Hà Nội cần phát động toàn dân tham gia công tác này. Nếu phát hiện vi phạm cần xử lý nghiêm”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.