Không đóng bảo hiểm thất nghiệp cho nhân viên là vi phạm pháp luật

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Tôi mới ký hợp đồng lao động với công ty được 3 tháng thì công ty bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên tôi bị giảm lương, vô cùng khó khăn. Tôi muốn nộp hồ sơ để nhận trợ cấp theo Nghị quyết 116. Khi tôi liên hệ với công ty mới phát hiện công ty chưa đóng bảo hiểm thất nghiệp cho tôi. Vậy công ty có vi phạm không và xử phạt như thế nào? Nguyễn Mạnh Hà (Cầu Giấy, Hà Nội)
Luật sư Đặng Thành Chung - Giám đốc Công ty luật TNHH An Ninh (Phòng 305 - Tòa nhà số 8 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội)

Luật sư Đặng Thành Chung - Giám đốc Công ty luật TNHH An Ninh (Phòng 305 - Tòa nhà số 8 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội)

Luật sư trả lời: Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Theo quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm năm 2013 thì đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm:

- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;

- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;

- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.

Cũng theo khoản 1 Điều 44 Luật Việc làm: “Người sử dụng lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tại tổ chức bảo hiểm xã hội trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc có hiệu lực”.

Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ bù đắp một phần thu nhập khi người lao động mất việc làm

Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ bù đắp một phần thu nhập khi người lao động mất việc làm

Như vậy, trường hợp này, bạn thuộc đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp và công ty có trách nhiệm nộp hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho bạn trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động có hiệu lực.

Hành vi của Công ty là vi phạm pháp luật và bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 4, 5, 6 Điều 38 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội như sau:

- Phạt tiền từ 12 đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm thất nghiệp mà không phải là trốn đóng.

- Phạt tiền từ 18 đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Phạt tiền từ 50.000.000 đến 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, Công ty còn bị buộc truy nộp số tiền bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc; buộc nộp số tiền lãi bằng 2 mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian không đóng. Đặc biệt, trường hợp hành vi của Công ty có đầy đủ cấu thành tội phạm trốn đóng bảo hiểm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 216 Bộ luật Hình sự.

Bạn đọc có nhu cầu được tư vấn pháp luật xin mời gửi thư đến tòa soạn, địa chỉ số 82 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc gọi điện đến Đường dây nóng: (024)39426618; 0903289922; hoặc hòm thư điện tử: bandoc@anninhthudo.vn.