Không đơn thuần là cảm lạnh

ANTĐ - Đột nhiên cảm lạnh, nhiều người thường chọn cách nghỉ ngơi để cơ thể dần hồi phục, nhưng một thực tế là hầu hết các bệnh nghiêm trọng khởi nguồn từ một cơn cảm lạnh thông thường. Vậy làm thế nào để có thể phân biệt giữa cảm lạnh và bệnh tình đòi hỏi chăm sóc y tế? Hãy lưu ý 6 dấu hiệu dưới đây.

Sốt cao: Nếu một người trưởng thành bị sốt cao hơn 39 độ C, có khả năng cơ thể đang phải đối phó với tình trạng hơn cả cơn cảm lạnh. Mặc dù sốt ở nhiệt độ vừa phải là cơ chế thực sự giúp hệ thống miễn dịch tiêu diệt vi khuẩn và virus, nhưng sốt cao thì nên đi kiểm tra sức khỏe để tìm ra vấn đề tiềm ẩn.

Ốm dai dẳng: Mệt sơ sơ, sau đó khỏe lại rồi tiếp tục ốm, đó có thể là dấu hiệu của bội nhiễm - dạng nhiễm trùng thứ cấp do hệ thống miễn dịch bị suy yếu khi một bệnh nhẹ tấn công. Khi đó, hệ thống miễn dịch đã cảm thấy mệt mỏi trong khi xảy ra một nhiễm trùng khác, cũng có thể người bệnh tiếp xúc với loại virus thứ hai và ốm thêm lần nữa. 

Đau đầu dữ dội: Khi cảm lạnh kèm theo cơn đau đầu nghiêm trọng tới mức khiến người ta không thể tập trung hoặc suy nghĩ một cách rành mạch, người bệnh cũng cần đi khám sớm. Đó có thể là dấu hiệu của rối loạn ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương, như viêm màng não chẳng hạn, hầu hết bệnh nhân đều có cảm giác choáng váng, nhức đầu.

Mỏi nhừ người: Có trường hợp ngay khi bị cảm lạnh, nhiều người cảm thấy toàn thân yếu ớt, nặng nhọc lắm mới lết ra được khỏi giường. Lúc này, đau cơ và mệt mỏi có nghĩa là người đó đã bị cúm, một bệnh truyền nhiễm về đường hô hấp do virus gây ra. Giải pháp mà các bác sỹ đưa ra là kê cho bệnh nhân thuốc kháng virus để làm suy yếu virus cúm, giảm bớt triệu chứng và ngăn ngừa khả năng bệnh tình trở nên nghiêm trọng hơn, như ảnh hưởng đến phổi chẳng hạn.

Có bệnh mãn tính: Những người có sẵn bệnh như tiểu đường, suy giáp hoặc bệnh thận nên đi khám bác sĩ khi xuất hiện triệu chứng cảm lạnh. Hãy coi việc khám chỉ mang tính chất đề phòng nhưng rất có ích bởi ví dụ, người bị bệnh tiểu đường khi cảm lạnh có thể gặp vấn đề trong kiểm soát lượng đường huyết, kiểm tra sức khỏe có thể ngăn ngừa biến chứng tiềm năng.

Tim đập nhanh: Nhiều người nghĩ nhịp tim bất thường là chuyện thường gặp, nhưng đằng sau rối loạn nhịp tim lại là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn, ví dụ như mất nước, sự xâm nhập của virus, đặc biệt một cục máu đông hình thành ở phổi cũng có thể khiến tim đập nhanh.