Không địa phương nào lên chúc Tết Văn phòng Chính phủ

ANTD.VN - Dịp Tết vừa qua, số đoàn địa phương về trung ương chúc Tết tăng hay giảm? Quan điểm của Chính phủ về ý kiến gộp Tết Dương lịch và Âm lịch ra sao? Chế độ chính sách với ông Vũ Huy Hoàng sau khi bị xóa tư cách nguyên Bộ trưởng như thế nào?… 

Hàng loạt câu hỏi về các vấn đề “nóng” mà dư luận và nhân dân quan tâm như trên đã được báo chí đặt ra tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 1-2017 diễn ra chiều 3-2. Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng cùng đại diện các bộ, ngành đã trả lời.

Không địa phương nào lên chúc Tết Văn phòng Chính phủ ảnh 1Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tại buổi họp báo

- PV: Chính phủ vừa ra quyết định xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương đối với ông Vũ Huy Hoàng. Vậy các chế độ chính sách đối với ông Vũ Huy Hoàng sau kỷ luật ra sao, chẳng hạn tiền lương hưu có bị cắt giảm không?

- Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Trước đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có quyết định kỷ luật về Đảng với ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương, trong đó yêu cầu các cơ quan chức năng Nhà nước (Quốc hội, Chính phủ) có hình thức xử lý, kỷ luật tương xứng. Thực hiện điều này, ngay trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu (ngày 28 tháng Chạp), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương giai đoạn 2011-2016 với ông Vũ Huy Hoàng. Toàn bộ cơ chế chính sách của ông Vũ Huy Hoàng sau khi bị xóa tư cách nguyên Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ, Bộ Công Thương xem xét đề xuất cụ thể. Hiện hai bộ này đang nghiên cứu để báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.

- Câu chuyện Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hải Dương có 44/46 công chức làm lãnh đạo, vừa qua Bộ Nội vụ đã thanh tra và có kết luận rằng những việc làm của đơn vị trên cơ bản là phù hợp với quy định, các cán bộ được bổ nhiệm đều đủ tiêu chuẩn. Điều này khiến dư luận xã hội không khỏi băn khoăn, xin hỏi ý kiến của Chính phủ?

- Chúng ta cũng biết, 1 sở có 46 cán bộ thì đã đề bạt từ phó phòng trở lên 44 cán bộ, như vậy chỉ còn có 2 nhân viên. Sau khi thanh tra, kiểm tra, Bộ Nội vụ có báo cáo với Thủ tướng, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hải Dương cũng đã có chỉ đạo cụ thể với Sở LĐ-TB&XH tỉnh. Trong số 44 cán bộ, đã có 7 cán bộ xin rút bổ nhiệm chức vụ phó phòng. Trong quá trình bổ nhiệm cán bộ, có những sai sót, có những trường hợp chưa đủ điều kiện cán bộ, công chức hành chính nhưng vẫn bổ nhiệm. Còn vấn đề về tiêu chuẩn cán bộ được bổ nhiệm thì hoàn toàn đúng.

Không địa phương nào lên chúc Tết Văn phòng Chính phủ ảnh 2Tăng cường giám sát để lễ hội giữ được thuần phong mỹ tục

- Theo Chính phủ thì dịp Tết vừa qua, tình trạng các địa phương lên Hà Nội chúc Tết đã giảm 70%. Căn cứ nào để đưa ra số liệu đánh giá đó?

- Con số 70% là ước lượng để 30% còn lại phải thực hiện nốt trong năm 2018. 

Dù ước lượng nhưng có thể nói dịp Tết này các địa phương đều thực hiện khá tốt Chỉ thị của Trung ương và Thủ tướng Chính phủ. Các cơ quan đều ra yêu cầu, lệnh bắt buộc không tiếp khách đến chúc Tết. Chẳng hạn tại Văn phòng Chính phủ Tết này không có địa phương nào lên chúc Tết. Hay khi đi trên đường, có người lái taxi nói với tôi rằng năm nay nhân dân đón Tết vui tươi, phấn khởi…, nhưng taxi thất thu vì số người địa phương lên Hà Nội giảm hẳn. Tỷ lệ 30% còn lại, tinh thần là quyết liệt thực hiện trong năm tới, để thực sự là một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, một Chính phủ nói thật, làm thật, để người dân và doanh nghiệp cùng có niềm tin.

- Một số trí thức, chuyên gia kinh tế có đề xuất gộp “Tết Tây” với “Tết ta”, quan điểm của Chính phủ về việc này thế nào?

- Đó chỉ là các ý kiến cá nhân, Chính phủ không nhận được báo cáo chính thức từ cơ quan nào. Dù vậy quan điểm của Chính phủ rất rõ ràng: “việc nghỉ Tết cổ truyền của Việt Nam đã được ghi vào Bộ luật Lao động. Tết cổ truyền là truyền thống văn hóa rất tốt đẹp của người Việt Nam. Chúng ta phải giữ những gì là nét đẹp trong truyền thống văn hóa của chúng ta”. 

- Tháng Giêng có nhiều lễ hội, vừa đầu năm tại một số lễ hội đã xuất hiện những hình ảnh phản cảm gây bức xúc dư luận, Chính phủ có giải pháp gì để chấn chỉnh tình trạng này?

- Từ đầu năm đến nay, lễ hội tại các địa phương tổ chức khá tốt, bảo đảm quy định, giữ được thuần phong, mỹ tục của địa phương, vùng miền. Tuy nhiên, trong mùng 2 Tết, tại đền Gióng (Hà Nội) có hiện tượng cướp lộc, chen lấn, xô đẩy, có hành động phản cảm, không tốt, thiếu văn hóa. Về việc này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã có chỉ đạo và rút kinh nghiệm trong thành phố. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ hôm nay, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ VH-TT&DL, các địa phương tăng cường giám sát, tránh lặp lại như trường hợp tại đền Gióng Hà Nội.

Tin cùng chuyên mục