Không để vùng cấm hay bảo kê xe quá tải trọng

ANTĐ - Là khẳng định của Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an tại cuộc họp sơ kết công tác xử lý xe quá tải, do Bộ GTVT tổ chức sáng 24-4-2015.

Có hiện tượng  bảo kê, mua bán logo riêng?

Tại Hội nghị, đại diện nhiều cơ quan chức năng của các địa phương cho rằng, năm 2014, tình trạng xe quá tải hoạt động trên địa bàn vẫn còn diễn biến phức tạp. UBND các địa phương đã chỉ đạo quyết liệt với nhiều giải pháp như huy động tối đa lực lượng liên quan, ngoài công an, GTVT, cả quân đội, cảng vụ… tập trung xử lý chuyên đề quá tải, cơi nới thùng… Thời kỳ cao điểm, huy động 100% quân số ăn ngủ tại chỗ, kiểm soát liên tục 24/24 giờ.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhìn nhận, vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, lái xe có ý thức chấp hành chưa nghiêm.

“Đặc biệt, dư luận còn phản ánh nhiều về tình trạng xe quá tải lén lút hoạt động vào ban đêm, đi vào các tuyến đường liên xã, liên huyện… để trốn tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng. Ở một số nơi, hiện tượng tiêu cực trong hoạt động xe quá tải, gây bức xúc trong xã hội”, ông Huyện cho hay.

Xe quá tải trọng đã giảm nhưng chưa triệt để

 Ông Thái Văn Chung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP. HCM thông tin, qua khảo sát tại một số doanh nghiệp vận tải trên địa bàn cách đây 2 ngày cho thấy, có hiện tượng bảo kê, mua bán logo ký hiệu riêng và sau đó sẽ dễ dàng đi qua các trạm cân.

“Tôi trực tiếp xuống khảo sát bãi xe ở quận 7, có rất nhiều doanh nghiệp mang thương hiệu khác đậu trên bãi xe của của một đơn vị vận tải lớn. Chủ bãi xe này nói nếu không mang thương hiệu thì không thể chạy “lọt” qua trạm cân, bởi tại TP. HCM đang có vấn nạn bảo kê cho xe chở quá tải,” ông Chung thông tin.

Theo ông Chung, mua bán logo mang lại nguồn lợi lớn khổng lồ, khoảng 3,5-5 hoặc 6 triệu đồng một xe/tháng. Với số lượng xe đang được “bảo kê” thì số lợi lên đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi tháng.

“Việc mua bán thương hiệu, dán logo xe quá tải vượt trạm cân doanh nghiệp không dám chỉ đích danh một đối tượng nào. Hiệp hội đề nghị Bộ Công an điều tra, thậm chí khởi tố một số đối tượng", ông Thái Văn Chung đề nghị.

 
Còn xe quá tải là trách nhiệm của CSGT và Thanh tra GTVT

Mục tiêu Bộ GTVT đưa ra, cuối năm 2015 cơ bản chấm dứt tình trạng xe quá tải lưu thông trên đường. Song, nhiều doanh nghiệp cũng như địa phương băn khoăn: “Năm 2015 chấm dứt, vậy năm 2016 và các năm sau đó có tái diễn không?”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện chế tài xử phạt hành vi chở quá tải quá nặng nên một số chủ phương tiện, doanh nghiệp, lái xe chống đối quyết liệt. Trên địa bàn Hà Nội, không ít trường hợp lái xe đã tông thẳng xe vào lực lượng làm nhiệm vụ khi bị yêu cầu kiểm tra tải trọng.

Không ít trường hợp lái xe manh động, phá hỏng trạm cân, lao xe vào lực lượng chức năng

Thượng tướng Lê Quý Vương, thứ trưởng Bộ Công an cũng đã đặt ra câu hỏi khi tình trạng xe quá tải lén lút ban đêm, “né” lực lượng chức năng. “Tình trạng này khiến chúng ta phải đặt câu hỏi, liệu có sự bảo kê của các lực lượng? có phải là xe vua, vùng cấm hay không?”.

“Năm 2015 chấm dứt xe quả tải có đạt được không? Đây là vấn đề hết sức quan trọng cần bàn sâu, bàn kỹ. Thời gian tới sẽ siết chặt hơn nữa việc kiểm soát tải trọng xe, không để còn vùng cấm hay tình trạng bảo kê. Nếu để xảy ra hiện tượng này là trách nhiệm của lực lượng CSGT và thanh tra GTVT”, Thượng tướng Lê Quý Vương nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cũng khẳng định, sẽ không đánh trống bỏ dùi, chuẩn bị nhân lực để làm lâu dài, xóa tan nghi ngờ của người dân và doanh nghiệp vận tải về việc này. Tiến tới, tất cả các trạm thu phí BOT sẽ được lắp đặt cân cố định, sử dụng camera để phạt nguội…