Không để vi phạm an toàn phòng cháy chữa cháy tại làng nghề

ANTD.VN - Theo cán bộ Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy số 11, Cảnh sát PC&CC thành phố Hà Nội, làng nghề Bát Tràng, huyện Gia Lâm (Hà Nội) có khoảng 700 hộ dân sử dụng khí gas để sản xuất, nung gốm. Thế nhưng, việc tuân thủ an toàn PCCC, an toàn phòng chống cháy nổ (PCCN) đang được người dân thực hiện theo kiểu “đối phó”, chứ không mang tính tự giác. Thực trạng này cho thấy, làng nghề Bát Tràng luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao.

Lực lượng công an xử lý xe chở gas vi phạm an toàn PCCC tại khu vực làng nghề Bát Tràng

Những “giàn bom” trực... nổ

Vụ hỏa hoạn xảy ra vào ngày 4-1-2016 tại làng nghề Bát Tràng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc chấp hành an toàn PCCC tại làng nghề gốm Bát Tràng. Trong vụ hỏa hoạn này, ngoài thiệt hại tài sản cả tỷ đồng, nó còn đe dọa đến tính mạng của người dân về hàng trăm “quả bom” gas dùng nung gốm. Việc chuyển đổi từ nung bằng than sang nung bằng khí gas đã giúp nâng cao chất lượng sản phẩm nhưng cùng với sự phát triển về công nghệ, nguy cơ về cháy nổ cũng tăng theo.

Thiếu tá Hoàng Hà Trung, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PC&CC số 11 cho hay: “Xã Bát Tràng là địa bàn trọng điểm của huyện Gia Lâm về công tác PCCC. Trên địa bàn xã có khoảng 80 doanh nghiệp, hơn 1.000 hộ gia đình đang hoạt động, sản xuất buôn bán, trong đó có 700 hộ có sử dụng khí gas để nung gốm sứ. Nhằm đảm bảo an toàn PCCN, chúng tôi đã thường xuyên mở những lớp tập huấn, tuyên truyền nâng cao kỹ năng người dân về sử dụng gas, lửa trần”.

Bà Nguyễn Thị Thu (72 tuổi), trú tại đường Giang Cao, xã Bát Tràng lo lắng: “Việc chuyển đổi nung gốm bằng khí gas tiện lợi, nhưng cũng lo lắm. Mỗi ngày người ta chở hàng trăm bình gas lớn chất vào nhà, những lúc vận chuyển như thế, tôi chỉ lo không may xảy ra cháy, nổ thì nguy”. 

Theo quy định, kho chứa gas phải được đặt cách xa khu dân cư và có đầy đủ thiết bị PCCN theo quy định. Thế nhưng, với việc thờ ơ, xem nhẹ nguy cơ  cháy, nổ, người dân Bát Tràng thường thực hiện quy định theo cách đối phó, thiếu tính tự giác.

Thiếu tá Đinh Thanh Hà, cán bộ Đội kiểm tra, hướng dẫn thuộc Phòng Cảnh sát PC&CC số 11 cho biết: “Việc bà con sử dụng gas công nghiệp để nung gốm rất phổ biến ở làng nghề Bát Tràng. Bà con ngoài việc liên kết với các đơn vị cung cấp gas để xây dựng đường ống dẫn gas lên lò nung, một số hộ dân đã tự ý làm do thấy tiền công lắp đặt giá cao. Điều này rất nguy hiểm vì tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ”.

Trước thực tế trên, Phòng Cảnh sát PC&CC số 11 huyện Gia Lâm đã tăng cường kiểm tra, xử lý. Theo đó, đơn vị đã phát hiện tại một số hộ kinh doanh, các hệ thống đường ống dẫn gas được hàn bằng ống kẽm đã bị hoen gỉ không có hệ thống van an toàn; hệ thống điện tại khu vực có gas không phải là hệ thống điện phòng nổ; có nơi đã từng đun chai gas để tận dụng triệt để các lượng gas tồn trong bình, tăng hiệu năng sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, trang thiết bị PCCC rất ít, không đủ tiêu chuẩn, cá biệt còn có lò gas không có phương tiện PCCC và cứu nạn cứu hộ.

Tăng cường xử lý vi phạm

Trước thực trạng trên, Phòng Cảnh sát PC&CC số 11 tổ chức nhiều đợt tập huấn tuyên truyền, hướng dẫn kiểm tra an toàn PCCC đối với 2 xã Bát Tràng và Kim Lan. Đặc biệt, trong những ngày qua, Phòng Cảnh sát PC&CC số 11 đã phối hợp với CAH Gia Lâm, Đội CSGT số 5 mở đợt cao điểm, xử lý vi phạm an toàn cháy nổ, vận chuyển gas tại làng nghề Bát Tràng.

Chỉ trong mấy ngày, đơn vị chức năng đã tạm giữ và xử lý hàng chục xe vi phạm vận chuyển khí hóa lỏng với hàng trăm bình gas công nghiệp không đúng quy cách, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. 

Thiếu tá Đinh Thanh Hà, cán bộ đội kiểm tra, hướng dẫn thuộc Cảnh sát PC&CC số 11 cho biết: “Theo quy định, những chiếc xe vận chuyển hàng hóa đặc biệt này phải trang bị đầy đủ bình chữa cháy xách tay, các đệm cao su chặn, giảm chấn do sự va đập của bình chứa gas và có tiêu lệnh cảnh báo trên xe. Thế nhưng khi kiểm tra, hầu hết các lái xe đều vi phạm về quy định vận chuyển loại hàng hóa lỏng có nguy cơ cháy nổ này...”. 

Đại úy Nguyễn Văn Đoàn, cán bộ quản lý địa bàn thuộc Phòng Cảnh sát PC&CC số 11 cho biết: “Quy định đã rõ, nhưng việc xử lý vi phạm rất khó khăn vì mức xử phạt vi phạm về an toàn cháy, nổ khí gas lên đến 40 triệu đồng đối với cá nhân, 70 triệu đồng đối với tập thể.

Nếu xử phạt hoặc đình chỉ thì cả làng đều vi phạm và sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế làng nghề”. Phòng Cảnh sát PC&CC huyện Gia Lâm đã gửi báo cáo tới cơ quan chức năng huyện để có biện pháp xử lý, nhưng cho đến nay vẫn chưa có phản hồi về hướng chỉ đạo để hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra hỏa hoạn. 

Cũng theo thống kê của Cảnh sát PCCC Hà Nội, thời gian qua, làng nghề Bát Tràng đã xảy ra hàng chục vụ cháy, nổ liên quan tới khí gas công nghiệp gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, nhưng dường như người dân vẫn chẳng mấy quan tâm đến chính mạng sống và tài sản của mình.

Về vấn đề này, ông Phạm Văn May, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng thừa nhận: “Nhiều hộ dân mải mê làm kinh tế, đã quên trang bị an toàn PCCC cho chính mình. Chúng tôi sẽ chỉ đạo Công an xã phối hợp với Công an huyện Gia Lâm tăng cường kiểm tra, nhắc nhở các hộ kinh doanh. Nếu hộ dân nào bị nhắc nhở rồi mà vẫn tiếp tục vi phạm thì xử lý nghiêm”.