Không để thương lái nước ngoài chộp giật

ANTĐ - Trước những hoạt động thu gom nông sản trái phép của “thương lái” nước ngoài tại Việt Nam thời gian qua, Bộ Công Thương vừa tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật quy định về hoạt động của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, nhằm đẩy mạnh công tác quản lý các đối tượng này.

Thương nhân nước ngoài thu mua nông sản ồ ạt rồi bất ngờ dừng mua khiến thị trường mất ổn định

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, đa số thương nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đều tuân thủ pháp luật. Tuy nhiên, có một bộ phận nhỏ núp bóng du lịch vào kinh doanh chụp giật, trái phép. 

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), từ giữa năm 2011 đến nay, thông qua con đường du lịch, “thương lái” nước ngoài đã vào Việt Nam để thu gom, ép giá các mặt hàng nông sản. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như: vải thiều, dưa hấu, gạo, thanh long… sau khi họ dừng mua gom đã giảm giá thê thảm, chỉ bằng 30-70% so với trước đó.

Đáng chú ý là thời điểm cuối năm 2011, đầu năm 2012, khi các thương lái nước ngoài vào mua gom khoai lang tại huyện Bình Minh (Vĩnh Long), giá khoai lang tím tại địa phương này từ 800.000-900.000 đồng/tạ, nhưng từ quý II-2012, khi họ không tiếp tục mua nữa, giá mặt hàng này đã giảm xuống còn 190.000 đồng/tạ. Khi thấy giá mặt hàng này tăng cao, nông dân đã phá bỏ các cây trồng cũ, đổ xô đi trồng các loại cây mà thương nhân nước ngoài đang thu gom. Ngay sau đó, người mua nhanh chóng giảm giá sản phẩm hoặc quỵt nợ. Hoạt động này của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam khiến nhiều nhà máy chế biến nông sản của Việt Nam phải hoạt động cầm chừng, người lao động thiếu việc làm, thị trường bất ổn. Điều đó đã phá vỡ quy hoạch các vùng nguyên liệu và công nghiệp chế biến nước ta.

Đại diện một số Sở Công Thương các địa phương cho biết, nhiều trường hợp, chính các đầu nậu địa phương đã tiếp tay cho thương nhân nước ngoài. Họ tự động thu gom nông sản, thỏa thuận ngầm với thương nhân nước ngoài rồi vận chuyển hàng hóa giao tận tay cho người mua. Ông Nguyễn Đăng Khoa - Trưởng phòng Pháp chế, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho hay, chính điều này đã cản trở việc xử lý vi phạm của thương nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Mặt khác, vẫn còn thiếu cơ sở pháp lý trong việc xử lý thương nhân nước ngoài vi phạm. “Có trường hợp, lực lượng quản lý thị trường đã bắt được đối tượng vi phạm nhưng do thủ tục Bộ này chờ Bộ kia, cơ quan này chờ cơ quan kia nên tội phạm tận dụng thời gian trốn về nước và không xử lý được”- ông Khoa nói.

Một thủ đoạn khác của người nước ngoài hoạt động trái phép ở nước ta là yêu cầu trộn gạo trắng với gạo thơm để tăng lợi nhuận, tạo thói quen xấu cho người nông dân, gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước. 

Theo ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), hoạt động này không chỉ gây rối loạn sản xuất trong nước mà còn ảnh hưởng đến uy tín hàng xuất khẩu của Việt Nam trên thị quốc tế. 

Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ông Quyền cho rằng  nhu cầu thế giới về hàng nông sản của Việt Nam ngày càng tăng, trong khi đó, một bộ phận nông dân thiếu hiểu biết đã vô tình tiếp tay cho các hoạt động trái phép của thương nhân nước ngoài. Bởi vậy, để hạn chế hoạt động trái phép của thương nhân nước ngoài, nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua nông sản được vay vốn với lãi suất thấp và ổn định, đủ sức cạnh tranh với các doanh ngahiệp nước ngoài, tạo kênh phân phối và thu mua nông sản một cách ổn định, tiêu thụ được nhiều hàng hóa nông sản cho nông dân. 

Về mặt quản lý Nhà nước, Bộ Công Thương cho biết sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan khác kiểm tra, kiểm soát, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm trong hoạt động thu mua nông sản của thương nhân nước ngoài tại các địa phương; xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam để làm cơ sở cho lực lượng chức năng thực hiện công tác quản lý.  

Điều 16, Nghị định 06/2008/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 30-40 triệu đồng, trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với các hành vi giả mạo giấy tờ, tài liệu hoặc mua hàng hóa để xuất khẩu hoặc bán hàng hóa nhập khẩu với thương nhân Việt Nam không có giấy phép kinh doanh.