Không để tham vọng độc chiếm Biển Đông đe dọa tự do thông thương trên biển

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những hành động ngang ngược, mang tính khiêu khích, vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc trên Biển Đông đang gặp phải sự phản ứng mạnh của dư luận thế giới. Ngày càng xuất hiện nhiều đòi hỏi ngăn chặn việc làm này nhằm bảo đảm tự do thông thương trên biển theo luật pháp.

Không để tham vọng độc chiếm Biển Đông đe dọa tự do thông thương trên biển ảnh 1Biển Đông nằm trên tuyến hàng hải quan trọng hàng đầu của thế giới

Phản đối hành động “bắt nạt” các nước láng giềng

Những diễn biến mới nhất trên Biển Đông trong thời gian gần đây cho thấy hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông được tiến hành có hệ thống, bất chấp luật pháp quốc tế.

Sau khi đâm chìm tàu cá Việt Nam ở khu vực Hoàng Sa, Trung Quốc tiếp tục áp đặt các yêu sách chủ quyền phi pháp như xây “trạm nghiên cứu” ở Trường Sa, ngang nhiên đặt tên các khu vực quản lý hành chính ở Trường Sa và Hoàng Sa. Tiếp đó, Trung Quốc tự đặt tên khoảng 80 thực thể ở Biển Đông, hải quân Trung Quốc thì hướng radar điều khiển hỏa lực vào tàu hải quân Philippines, rồi đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và Malaysia…

Mặc dù sau các hành động này, Bắc Kinh luôn tìm cách đổ lỗi, thậm chí đe dọa các nước khác phải trả giá vì gây nên tình hình căng thẳng nhưng dư luận thế giới không ai chấp nhận nghịch lý này. Đa số dư luận đều có chung nhận định rằng Trung Quốc đã có nhiều hành động “bắt nạt” các nước láng giềng liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông, trong đó có Việt Nam, Philippines và Malaysia. 

Trong tuyên bố đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông trên cơ sở “Đường lưỡi bò”, đồng thời khẳng định: “Các yêu sách của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi ở hầu như toàn bộ Biển Đông, cũng như hàng loạt các chiến dịch bắt nạt nhằm kiểm soát các nguồn tài nguyên này, là hoàn toàn phi pháp”.

Ngay sau tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã ra thông cáo khẳng định ủng hộ mạnh mẽ lập trường cần phải có một trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi chính phủ Trung Quốc tuân thủ các phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) năm 2016, trong đó khẳng định yêu sách đối với cái gọi là “Đường lưỡi bò” mà Bắc Kinh đơn phương vẽ ra trên Biển Đông là không có cơ sở.  

Không chỉ lên án những hành động làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, dư luận còn đòi hỏi giải quyết những tranh chấp ở vùng biển này theo luật pháp, không để tranh chấp trở thành xung đột đe dọa an ninh và hòa bình của khu vực. Trong tuyên bố mới đây, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga khẳng định Nhật Bản ủng hộ “tính thượng tôn pháp luật” và việc sử dụng các biện pháp hòa bình thay cho vũ lực hay cưỡng ép.

Không phải là nước liên quan trực tiếp đến Biển Đông nhưng có những lợi ích gắn với khu vực này, Thủ tướng Australia Scott Morrison khẳng định Canberra sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ tự do hàng hải tại Biển Đông và duy trì một lập trường “rất kiên định” về vấn đề này. Cùng quan điểm với Australia, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava nhấn mạnh Biển Đông là một phần của các lợi ích chung toàn cầu và Ấn Độ có lợi ích gắn chặt với hòa bình và ổn định trong khu vực này.

Vì thế, Ấn Độ cương quyết ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và thương mại hợp pháp không bị cản trở trên các tuyến đường thủy quốc tế này, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS).

Tự do thông thương trên Biển Đông theo luật pháp là lợi ích chiến lược 

Không chỉ lên tiếng phản đối hành động áp đặt khái niệm “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh”, các nước có liên quan còn có hành động cụ thể nhằm ngăn chặn mưu toan độc chiếm Biển Đông và cách hành xử coi thường luật pháp. Một trong những lý do là vì Biển Đông nằm trên tuyến hàng hải quan trọng hàng đầu với thương mại toàn cầu.

Điều gì xảy ra khi việc thực hiện tự do đi lại hàng hải trên Biển Đông theo UNCLOS bị ngăn chặn bởi yêu sách phi lý của Trung Quốc? Nếu khủng hoảng xảy ra, các tàu biển phải chạy theo đường mới hoặc vòng qua phía nam Australia. Khi đó, cước phí vận tải thậm chí sẽ tăng gấp năm lần và không còn đủ sức cạnh tranh. Chính vì thế, bảo đảm tự do thông thương trên Biển Đông là lợi ích chiến lược không chỉ với các nước khu vực mà còn cả với thế giới. 

Trong những năm gần đây, trong khuôn khổ chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do, Mỹ nhấn mạnh đến sự hợp tác của 4 cường quốc trong khu vực là Mỹ-Nhật-Ấn-Australia và kêu gọi sự can dự mạnh mẽ hơn từ các nước châu Âu, nhất là Anh và Pháp, để đảm bảo cấu trúc an ninh trong khu vực trước mối đe dọa từ Trung Quốc.

Thực hiện chiến lược này, Mỹ liên tục đưa tàu chiến vào sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép trên Biển Đông nhằm mục đích như bà Reann Mommsen - phát ngôn viên Hạm đội 7 của hải quân Mỹ tuyên bố là nhằm “thách thức các yêu sách quá quắt trên biển và bảo toàn quyền tiếp cận vào tuyến đường biển theo quy định của luật quốc tế”.

Gần đây nhất, đầu tháng 7 vừa rồi, Mỹ đã điều 2 tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz cùng 4 tàu chiến khác đến Biển Đông tham gia cuộc tập trận quy mô lớn nhằm phát đi tín hiệu rằng Mỹ cam kết đảm bảo an ninh và ổn định khu vực.

Là đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN nên yêu cầu bảo vệ các hành lang vận chuyển tàu biển an toàn và ổn định trên Biển Đông đã trở thành vấn đề có tính sống còn với Liên minh châu Âu (EU). Trước những căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, EU có quan điểm bảo vệ tự do hàng hải và tuân thủ luật pháp quốc tế. Hai nước thành viên của EU là Pháp và Anh đã gia tăng hoạt động trong việc bảo vệ quyền tự do hàng hải (FON).

Tháng 5-2018, tàu chiến Dixmude và một tàu khu trục của Pháp đã tiến vào khu vực các cụm đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong động thái bày tỏ sự phản đối với tham vọng độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh. Anh cũng đã đưa tàu đổ bộ HMS Albion di chuyển gần những đảo đá mà Trung Quốc bồi đắp và chiếm đóng trái phép trên Biển Đông nhằm thực hiện hoạt động tự do hàng hải.  

Cũng giống như các cường quốc bên ngoài khác, Australia có lợi ích trong việc duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông bởi có tới 2/3 khối lượng hàng hóa của nước này được giao thương qua vùng biển này. Không chỉ bày tỏ mối quan ngại với những thách thức đe dọa luật lệ trên biển, Australia còn có hành động trên thực địa nhằm bảo đảm an ninh và thịnh vượng cho khu vực. 

Nước này từng cử khu trục hạm HMAS Parramatta tham gia diễn tập cùng các chiến hạm Mỹ là USS Barry, USS America và USS Bunker Hill gần nơi tàu khảo sát địa chất Hải dương 8 của Trung Quốc bám theo tàu khoan West Capella do Công ty dầu khí Malaysia Petronas vận hành.