Không để tham nhũng cũng… "đúng quy trình"

ANTD.VN - Tham nhũng trong công tác cán bộ, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ đang là tâm điểm ngày càng thu hút sự chú ý của nhiều người và của cả xã hội, đặc biệt luôn là tâm điểm “nóng” trên cả nghị trường.

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho biết, số tiền tham nhũng được các cơ quan quản lý phát hiện trong thời gian qua khiến chúng ta không khỏi giật mình. Riêng năm 2015, các vụ án, vụ việc tham nhũng đã gây thiệt hại trên 950 tỷ đồng và gần 9.900m2 đất. Còn 9 tháng đầu năm nay, các vụ án, vụ việc tham nhũng đã gây thiệt hại trên 240 tỷ đồng, 838m2 đất. Đáng chú ý là việc thu hồi số tiền thất thoát do tham nhũng gặp không ít khó khăn và mới chỉ dừng lại ở mức độ khiêm tốn.

Báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu đánh giá, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với mức độ phổ biến, tính chất rất nghiêm trọng và chưa bị đẩy lùi. Các Đại biểu Quốc hội chỉ ra rằng, ngày càng nhiều dự án đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng kết cục là “đắp chiếu”, bỏ hoang trong khi được giải trình trách nhiệm bằng những cụm từ quen thuộc như “đầu tư đúng quy trình” hay do công nghệ lạc hậu. 

Thật nực cười cho cái chuyện “đúng quy trình” hiện nay. Cha bổ nhiệm con cũng “đúng quy trình”; thiếu trách nhiệm gây thất thoát, lãng phí nhưng cũng… “đúng quy trình”, đến khi kê khai tài sản lại… “đúng quy trình”. Thế nên dư luận nói cụm từ “đúng quy trình” đang là cụm từ “nóng”. Đã đến lúc cần phải xem xét, làm rõ bản chất của sự việc, không để tham nhũng cũng... “đúng quy trình”.

Cũng theo quan điểm chung của số đông các đại biểu, tham nhũng làm kiệt quệ ngân khố, kìm hãm sự phát triển của đất nước, xâm phạm quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt đã làm tha hóa nhiều cán bộ mà Trịnh Xuân Thanh chỉ là một ví dụ. Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (tỉnh Thanh Hóa) băn khoăn: “Nghìn tỷ đồng tham nhũng đã đi đâu, được dùng vào việc gì, ai đã nhận? Nếu không biết tiền đã đi đâu thì làm sao thu hồi được, làm sao diệt tham nhũng được tận gốc?”.

Đại biểu này cũng cho rằng, cán bộ, công chức có tài sản phải chứng minh sự trong sạch tài sản của mình. Nếu không chứng minh được, phải coi đó là tài sản do tham nhũng mà có, không thể giải thích của ông anh, bà chị, cô em kết nghĩa cho là xong việc. 

Tuy nhiên, theo báo cáo của cơ quan chức năng, hiện đã có hơn 1 triệu người đã hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập năm 2015. Qua xác minh, chưa phát hiện trường hợp vi phạm kê khai không trung thực. Đây được xem là bất cập đã được các chuyên gia, đại biểu Quốc hội thẳng thắn chỉ rõ tại cuộc hội thảo góp ý để sửa đổi toàn diện Luật Phòng chống tham nhũng diễn ra ngày 25-8 vừa qua.

Các ý kiến nêu rõ, quy định về minh bạch tài sản, thu nhập chưa giúp kiểm soát biến động về thu nhập; chưa quy định rõ việc sử dụng bản kê khai tài sản vào mục đích phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng... Nguyên nhân là những đối tượng tham nhũng không dại gì để tài sản đứng tên mình, nhất là trong bối cảnh xã hội chúng ta hiện nay, các khối tài sản dễ dàng chuyển dịch từ người này qua người khác. 

Các chuyên gia cho rằng, quy định về công khai có bước tiến, nhưng có tình trạng lạm dụng những quy định như bí mật quốc gia, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân…; đặc biệt là lạm dụng từ “nhạy cảm” để né tránh trách nhiệm cung cấp thông tin, trách nhiệm giải trình. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương đã từng nói, công khai tài sản cần gắn với trách nhiệm giải trình, nếu kê khai mà chỉ công khai trong nội bộ rồi đóng dấu mật thì không thể có sự minh bạch. 

Nhìn lại những góp ý cho công tác phòng chống tham nhũng có thể thấy, căn cốt đầu tiên khi muốn chống được tham nhũng vẫn phải là kiểm soát được tài sản, thu nhập.