Không để Tết thiếu hàng

ANTĐ - Thực hiện chỉ đạo của Sở Công Thương Hà Nội, các doanh nghiệp đã triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa và phân phối phục vụ các dịp lễ, tết cuối năm. Lượng hàng dự trữ đều tăng lên so với Tết Tân Mão (2011).

Thịt lợn dịp tết sẽ không tăng giá mạnh

Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, tổng lượng hàng hóa, dịch vụ dự trữ cho Tết Nhâm Thìn (2012) của doanh nghiệp này ước khoảng 905,4 tỷ đồng, tăng 15% so với tết năm ngoái. Trong đó, cơ cấu hàng hóa được phân chia cụ thể như sau: Dịp Noel, Tết Dương lịch (từ 20-12-2011 đến 5-1-2012) tập trung vào các sản phẩm: thực phẩm, thủy hải sản, bánh kẹo, ăn uống giải khát, du lịch, quà tặng, đồ gia dụng, thời trang, điện máy. Dịp Tết Nguyên đán (từ 30-12-2011 đến 5-2-2012), các mặt hàng được tăng cường là thực phẩm, hàng điện máy, đồ gia dụng, thời trang, ăn uống giải khát, du lịch, đặc biệt tập trung vào các mặt hàng thực phẩm truyền thống thiết yếu như: giò, chả, bánh chưng, gà ta, thịt trâu bò, gạo đặc sản, dầu ăn, rượu bia, bánh mứt kẹo, thủy hải sản và rau xanh.

Đại diện siêu thị BigC cũng cho hay đang đàm phán với các nhà cung cấp để đảm bảo số lượng cũng như chất lượng hàng hóa phục vụ người tiêu dùng trong dịp tết. BigC cũng sẽ tổ chức một số chương trình khuyến mãi trong dịp này.

Bà Nguyễn Thị Hiền-Phó Giám đốc Công ty TNHH Minh Hiền chuyên giết mổ gia súc, gia cầm tập trung cho biết: “Chúng tôi đã chuẩn bị nguồn hàng tăng thêm 30-35% so với các tháng khác trong năm. Trung bình mỗi ngày tết, lượng hàng bán ra khoảng trên 10 tấn thịt, cao điểm vào các ngày từ 26 đến 30-12 Âm lịch”. Công ty Minh Hiền đã làm việc với các trang trại chăn nuôi, bà con nông dân các huyện ngoại thành và một số tỉnh lân cận Hà Nội để chuẩn bị sẵn nguồn hàng. Dự báo, giá thịt lợn trong dịp Tết Nhâm Thìn sắp tới sẽ giữ ổn định, hoặc tăng thêm 5% do nguồn cung dồi dào. “Sẽ không có tình trạng thịt tăng giá đến 50%, thậm chí 100% như Tết Tân Mão” - bà Hiền khẳng định.

Theo ông Nguyễn Văn Đồng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, quan điểm của Sở Công Thương là các doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp tết của nhân dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt hàng hoặc tình trạng tồn đọng hàng hóa sau tết. Sở này đã yêu cầu các doanh nghiệp quản lý chợ, các Ban quản lý chợ chỉ đạo các hộ kinh doanh tại các chợ, các cửa hàng có kế hoạch dự trữ hàng hóa để đưa ra tiêu thụ trên thị trường khoảng 2.000 tấn thịt trâu bò, 10.000 tấn thịt lợn, hơn 3.500 tấn thịt gia cầm, 6.000 tấn thủy hải sản, 50.000 tấn rau, củ quả. Các làng nghề truyền thống sản xuất các nhóm hàng phục vụ tết như: chế biến nông sản thực phẩm, bánh mứt kẹo, dệt may, chè, miến dong, bột sắn... sẽ cung cấp lượng hàng hóa khoảng 100 tỷ đồng. Các doanh nghiệp, các chợ đều phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, văn minh thương mại và tăng thời gian mở cửa trong thời gian bán hàng phục vụ tết.