Không để người dân chịu cảnh "màn trời chiếu đất" sau mưa lũ

ANTD.VN - Khoảng 1,7 tỷ USD đã bị bão, mưa lũ cuốn trôi kể từ đầu năm 2016 đến nay trên địa bàn cả nước. Trong đó, nặng nề nhất là các tỉnh miền Trung với hạn hán và mưa lũ liên miên. Sáng 17-12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phải họp khẩn với 9 tỉnh miền Trung và các bộ, ngành để chỉ đạo khắc phục hậu quả nặng nề của đợt mưa lũ vừa qua.

Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài thông tin, mưa lũ từ giữa tháng 10-2016 đến đầu tháng 12-2016 tại 9 tỉnh miền Trung đã làm chết 111 người, 121 người bị thương; hơn 300.000 ngôi nhà bị ngập, hư hại; gần 43.000ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hại… Đa số các hộ dân trong vùng mưa lũ đã mất hoàn toàn cây trồng và diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt.

Tổng thiệt hại tạm tính đến ngày 16-12 là trên 8.500 tỷ đồng đồng; nâng tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn cả nước từ đầu năm 2016 đến nay làm 235 người thiệt mạng; ước tính về kinh phí lên tới 37.650 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,7 tỷ USD.

Đến ngày 17-12, các tỉnh vùng lũ miền Trung đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp gần 6.000 tấn gạo, trong đó Thừa Thiên Huế xin 1.000 tấn, Quảng Ngãi 1.500 tấn, Bình Định 2.000 tấn, Phú Yên 1.100 tấn… Ngoài ra, các tỉnh cũng xin hỗ trợ hóa chất và thuốc khử trùng, 300 tấn giống lúa, rau màu và gần 1.400 tỷ đồng để hỗ trợ cấp bách khôi phục hạ tầng, giao thông, thủy lợi…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc, dồn sức khắc phục hậu quả mưa lũ, hỗ trợ người dân vùng lũ vượt qua khó khăn

Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - một trong những tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất trong những đợt lũ vừa qua cho biết, trong đợt lũ từ ngày 13 đến 17-12, toàn tỉnh Bình Định có 11/11 đơn vị đều bị ngập. Đến sáng 17/12, các xã ở vùng nông thôn vẫn chìm trong nước.

"Bình Định hiện hết sức khó khăn, khoảng 1 tháng qua, 5 trận lũ liên tiếp ở Bình Định đã gây thiệt hại nặng nề về người và tải sản. Trong 1 tháng qua, tỉnh đã huy động  tổng lực lượng từ Công an đến quân đội, thanh niên dồn sức cho việc chống lũ", ông Hồ Quốc Dũng thông tin.

Tỉnh Bình Định đã có 31 người thiệt mạng trong 5 đợt lũ vừa qua, phải di dời trên 7.000 hộ dân đến nơi an toàn. Tỉnh đã phải xuất khẩn 50 tỷ đồng ngân sách dự phòng để hỗ trợ các địa phương khắc phục một số công trình thiết yếu, mua các nhu yếu phẩm và hóa chất cần thiết.

Sáng 17/12, Ủy ban quốc gia TKCN đã vận chuyển bằng  đường hàng không cứu trợ cho Bình Định 5 tấn lương khô, cùng với 5 tấn nữa của Bộ Công Thương hỗ trợ đang được lực lượng Quân khu 5 vận chuyển đến bà con vùng lũ, vùng bị cô lập, chia cắt. "Lũ năm 2013 đạt kỷ lục nhưng chỉ có mấy ngày nước rút, còn lần này lũ kéo dài cả tháng nay, bà con đã không còn gì để ăn", ông Hồ Quốc Dũng chia sẻ.

Ngoài kiến nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ về lương khô, thuốc, hóa chất để xử lý dịch bệnh, môi trường sau lũ, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định còn kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GD-ĐT có biện pháp hỗ trợ 50.000 học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh đã bị mất hết sách, vở, đồ dùng học tập, không thể đến trường được. Bên cạnh đó, cầnxem xét miễn học phí cho con em vùng lũ trong học kỳ 2 năm học 2016-2017 này, nếu không tình trạng bỏ trường, bỏ lớp sẽ diễn ra vì sau lũ, tài sản của bà con cũng đã mất trắng.

"Cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh quay trở lại 10 năm về trước; từ giao thông, trường học, bệnh viện đến các công trình khác đều bị thiệt hại nặng", ông Hồ Quốc Dũng nói.

Tại cuộc họp khẩn với 9 tỉnh miền Trung đang chịu thiệt hại nặng nề của đợt lũ vừa qua và các bộ, ngành liên quan sáng 17-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương nỗ lực, cố gắng lớn của các cấp, ngành trong việc khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt tại 9 tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng nề trong những đợt lũ vừa qua. Các lực lượng chức năng như Công an, quân đội đã vào cuộc hỗ trợ tích cực nhân dân trong giai đoạn khó khăn nhất.

Tuy nhiên, do mưa kéo dài, lũ lớn liên tục nên vẫn xảy ra thiệt hại lớn về người và tài sản. Chia sẻ mất mát về người, tài sản của nhân dân các địa phương, Thủ tướng cũng gửi lời chia buồn sâu sắc tới các gia đình có người thân bị thiệt mạng trong đợt lũ lụt vừa qua. Thủ tướng hy vọng, với truyền thống tương thân tương ái của nhân dân, chúng ta sẽ đoàn kết để cùng vượt qua khó khăn này.

Thủ tướng lưu ý, trong những ngày tới, nước lũ sẽ chưa thể rút hết ngay, do vậy, việc ứng phó phải được duy trì thường xuyên, liên tục, giảm tối đa thiệt hại về người và tài sản. Cùng với đó, công tác cứu trợ phải khẩn trương, không để người dân bị đói khát, bệnh tật trong và sau lũ.

Thủ tướng cũng yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và các địa phương phải huy động các đoàn, hội ở vùng ít bị thiên tai để hỗ trợ cho vùng bị thiên tai nặng dựng lại nhà cửa cho người dân, không để người dân chịu cảnh “màn trời chiếu đất”; phải tập trung phục hồi hạ tầng và sản xuất vụ Đông Xuân, chuẩn bị các điều kiện để chuẩn bị vụ Đông Xuân mới, đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân trong năm 2017.

Đối với hạ tầng bị thiệt hại nặng nề như giao thông, trường học, thủy lợi... các địa phương cần tổng hợp, báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.  Các bộ, ngành Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ trực tiếp hỗ trợ  địa phương và người dân;  từng tỉnh, thành phố cần huy động hệ thống chính trị để giúp dân vùng lũ kịp thời vượt qua khó khăn...